Sản xuất gắn với công nghệ xanh

08:23 - Thứ Sáu, 07/06/2019 Lượt xem: 12820 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây tỉnh ta đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ xanh trong sản xuất. Nhờ mạnh dạn thay đổi tư duy, dám nghĩ dám làm, nhiều nông dân đã ứng dụng linh hoạt khoa học công nghệ vào chăn nuôi, trồng trọt nâng cao giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường.

“Nông dân kiểu mới”

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình chị Nguyễn Lan Hương, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) được xây dựng chưa lâu, song đã trở thành mô hình điểm về ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất nông nghiệp. Dù không học chuyên ngành nông nghiệp, song vốn đam mê với cây trồng, chị Hương đã thực hiện ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương nhờ áp dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Dẫn chúng tôi thăm khu vườn rộng 3ha với những luống cam lòng đỏ và bưởi da xanh đang ra quả, chị Hương phấn khởi cho biết: Tất cả các giống cây trồng như: Cam, bưởi, đu đủ, bơ... đều được nhập khẩu giống từ nước ngoài và có hệ thống phun tưới nước tự động; phân bón hữu cơ vi sinh từ đỗ tương...

 

Vườn bưởi da xanh ứng dụng công nghệ xanh của gia đình chị Nguyễn Lan Hương cho sản phẩm chất lượng cao.

Vừa giới thiệu với chúng tôi về giống cam lòng đỏ được trồng theo quy trình VietGAP, chị Hương vui vẻ chia sẻ về những ý tưởng hiện đại hóa đồng ruộng, tạo sản phẩm chất lượng cao. Nhận thấy vườn cây ở vị trí đất dốc, dễ xói mòn, chị Hương đã tham quan, học hỏi tại các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong và ngoài nước; tham vấn các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp về quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc. Biết giống cỏ vetiver có tác dụng lọc nước, xử lý nước thải, chống xói mòn và khả năng bảo vệ môi trường cao, chị đã mạnh dạn mua hơn 20.000 bầu cỏ với giá 3.000 đồng/bầu về trồng thử nghiệm xung quanh các gốc cây ăn quả và dọc đường băng. Loại cỏ này sinh trưởng tốt, rễ dày, phát triển nhanh, khỏe, cắm sâu vào lòng đất, là môi trường cố định đạm tốt... Ngoài ra, vì có tinh dầu thơm đặc trưng từ rễ nên cỏ vetiver cũng giúp xua đuổi các loại côn trùng và giảm thiểu mùi khó chịu do những nhân tố khác gây ra. Chị Hương là người dầu tiên trên địa bàn tỉnh ứng dụng cỏ vetiver trong sản xuất nông nghiệp để chặn giữ đất màu, chống xói mòn... Sản phẩm trái cây của gia đình chị tiêu thụ rất tốt nhờ chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đồng đều. Dù giá thành cao hơn so với mặt bằng chung từ 20 - 30% nhưng sản phẩm của gia đình chị vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Với giá bán 70.000 đồng/kg bưởi da xanh, 90.000 đồng/kg cam lòng đỏ, 20.000 đồng/kg đu đủ ruột đỏ... gia đình chị Hương có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.

Ngoài mô hình cây ăn quả công nghệ cao của chị Hương, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình sản xuất rau xanh ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, quy mô lớn, như: Doanh nghiệp Tư nhân Hoa Ba trồng rau thủy canh bằng hệ thống hồi lưu; mô hình nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo); công nghệ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên...

Cần chính sách hỗ trợ phù hợp

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều dự án, mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Trong sản xuất lúa, tỉnh ta đã nhân rộng Chương trình SRI tại 10/10 huyện, thị, thành phố với diện tích ứng dụng gần 5.800ha, chiếm 21% diện tích lúa toàn tỉnh; giúp nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả, bảo vệ môi trường đồng ruộng, giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất. Trong chăn nuôi, tiêu biểu là chương trình cải tạo đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo thực hiện trên địa bàn các xã vùng I, II thuộc huyện Mường Ảng, Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ với trên 300 con; các mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng bè, nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm trong ao, nuôi gà thịt an toàn sinh học đã tạo chuyển biến tích cực cả về tư duy và quy mô sản xuất cho người dân.

Ðầu tư sản xuất nông nghiệp gắn với công nghệ xanh đã giúp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, năng suất cao, thân thiện với môi trường. Ðồng thời, đã tác động tích cực đến việc thu hút đầu tư, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người dân. Ðồng hành với mục tiêu làm nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh ta đã và đang khuyến khích phát triển hợp tác về liên kết tiêu thụ nông sản giữa “4 nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà sản xuất). Thông qua các mô hình, các lớp tập huấn, nông dân được tiếp cận, học tập những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; sử dụng giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao...

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi đúng trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay. Cùng với sự linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của nhiều nông dân thì các cấp, ngành chức năng cần có sự định hướng, quy hoạch và hỗ trợ cần thiết tạo động lực phát triển, “chắp cánh” cho những “nông dân kiểu mới”. Như vậy mới có thể sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top