Cần nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP

08:36 - Thứ Sáu, 07/06/2019 Lượt xem: 12849 In bài viết
ĐBP - Nhằm hướng đến sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm rau, củ, quả sạch, có chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, những năm qua Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn theo các tiêu chuẩn của quy trình nông nghiệp an toàn (GAP). Sau một thời gian hoạt động, những mô hình này đã từng bước khẳng định được tính ưu việt, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và mở ra hướng canh tác mới cho người nông dân.

Năm 2018, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên triển khai “Mô hình sản xuất cà chua an toàn theo hướng GAP” trên địa bàn xã Noong Luống với diện tích 4,5ha gồm 32 hộ dân tham gia. Thời gian thực hiện trong 4 tháng (từ tháng 8 - 12/2018). Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh ngay từ khâu vệ sinh đồng ruộng, làm đất và trong quá trình phát triển của cây trồng. Qua tổng kết, mô hình sản xuất cà chua theo hướng GAP chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn so với cách làm truyền thống và lãi ròng cao hơn. Cụ thể, nếu 1ha cà chua của mô hình GAP chi phí đầu tư khoảng 120 triệu đồng thì 1ha sản xuất theo phương thức truyền thống có chi phí đầu tư gần 140 triệu đồng.

 

Mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn GAP tại xã Noong Luống.

Anh Nguyễn Ðức Trường, đội 18, xã Noong Luống, một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: Gia đình tôi có gần 1.000m2 đất trồng rau các loại. Trước đây, chủ yếu trồng dựa theo kinh nghiệm nên năng suất, chất lượng không cao. Sau khi tham gia mô hình GAP, tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên năng suất, sản lượng cao hơn, quả đều, đẹp nên giá bán cũng cao hơn.

Cũng trong năm 2018, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai mô hình trồng cải thảo theo hướng GAP tại Hợp tác xã Thanh Ðông (xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên). Tổng diện tích mô hình 2,5ha, với 8 hộ dân tham gia. Ðánh giá sau 3 tháng thực hiện mô hình cho thấy tổng chi phí đầu vào giảm hơn so với phương thức trồng rau truyền thống bởi giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật (tiền thuốc và công phun thuốc), công lao động. Năng suất và lãi ròng hơn hẳn cách làm truyền thống. Nếu trồng 1ha cải thảo theo mô hình GAP thì sau khi trừ chi phí người dân thu khoảng 67 triệu đồng; trong khi trồng theo cách truyền thống chỉ đạt khoảng 60 triệu đồng. Sau mô hình trình diễn, không chỉ các hộ dân tham gia mô hình tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích rau an toàn mà nhiều hộ dân trên địa bàn cũng ứng dụng vào sản xuất.

Ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương cho biết: Trước đây, các hộ trồng rau trên địa bàn xã chủ yếu sản xuất theo cách truyền thống, nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp, ảnh hưởng đến môi trường do sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng. Tuy nhiên, từ khi được các cơ quan chức năng hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, đến nay xã đã có nhiều diện tích rau an toàn chất lượng cao.

Qua đánh giá, các mô hình sản xuất theo hướng GAP mang lại hiệu quả kinh tế cao. Về hiệu quả môi trường, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn 1,5 - 3 lần so với sản xuất truyền thống, lượng thuốc sử dụng giảm hơn nhờ đó giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm; hạn chế ô nhiễm không khí. Về hiệu quả xã hội, việc triển khai mô hình không chỉ nâng cao kiến thức cho các hộ tham gia mô hình mà còn tác động tích cực đến nhận thức của nông dân trên địa bàn. Mô hình giúp người dân kết nối các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm như Công ty TNHH Safe green, Xanh Mark Ðiện Biên, siêu thị Hoa Ba... Trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng nâng cao hơn, đã tích cực hơn trong việc quản lý, hỗ trợ người dân phát triển rau theo tiêu chuẩn GAP, tạo điều kiện để nông dân hòa nhập nền kinh tế thị trường.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top