Hỗ trợ người chăn nuôi sau dịch tả lợn châu Phi

Cần thận trọng, sát thực tế

09:21 - Thứ Hai, 10/06/2019 Lượt xem: 10828 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, các cơ quan chuyên môn đang nghiên cứu để tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Chính sách hỗ trợ phải phù hợp với thực tế địa phương, đảm bảo ổn định tâm lý người chăn nuôi trong phòng, chống dịch và kích thích tái đàn sau dịch.

 

Lợn bị dịch tả châu Phi được đánh giá trọng lượng trước khi tiêu hủy tại 1 trang trại ở xã Thanh An (huyện Ðiện Biên).

Ðến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.599 hộ ở 299 thôn bản của 59 xã thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Mường Nhé). Tổng số lợn tiêu hủy 7.923 con, trọng lượng 344.890kg. Bên cạnh nỗ lực phòng, chống và ngăn chặn dịch lây lan thì vấn đề hỗ trợ sau dịch được người chăn nuôi rất quan tâm.

Chính sách hỗ trợ người chăn nuôi sau dịch bệnh đang được thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NÐ-CP, ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy. Ðối với lợn phải tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi, mức hỗ trợ theo quy định là 38.000 đồng/kg.

Ông Ðỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ðến ngày 4/6, ước thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh gần 20 tỷ đồng. Thời điểm này, Chi cục Thú y đang nghiên cứu trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh mức đơn giá hỗ trợ người chăn nuôi sau dịch. Dự kiến khoảng trung tuần tháng 6/2019, UBND tỉnh sẽ ban ban hành quyết định về mức hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị dịch tả lợn châu Phi. Có thể sẽ tiến hành hỗ trợ theo 2 mức giá khác nhau. Thứ nhất, lợn bị chết, buộc phải tiêu hủy từ thời điểm tỉnh công bố dịch đến thời điểm UBND tỉnh có quyết định về chính sách hỗ trợ, người chăn nuôi sẽ được hỗ theo Nghị định số 02/2017/NÐ-CP của Chính phủ, đơn giá 38.000 đồng/kg. Thứ 2, lợn bị chết, buộc phải tiêu hủy sau thời điểm có quyết định của UBND tỉnh sẽ được hỗ trợ mức giá bằng 80% giá thị trường. Lý do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu ban hành 2 mức hỗ trợ ở 2 thời điểm khác nhau vì hiện nay, giá lợn hơi trên thị trường là 38.000 đồng/kg bằng với mức giá hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NÐ-CP. Nếu sau thời điểm có quyết định của UBND tỉnh mà vẫn hỗ trợ với mức giá này sẽ dẫn đến tâm lý bán lợn cho Nhà nước, người chăn nuôi không còn động lực phòng chống dịch. Tình trạng này đã từng xảy ra ở các tỉnh dưới xuôi. Do đó, hỗ trợ với mức giá 80% giá thị trường là giải pháp phù hợp. Người chăn nuôi phải hiểu rằng Nhà nước “hỗ trợ” chứ không phải “đền bù” thiệt hại.

Song song việc triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, hiện nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo chính quyền xã, phường thống kê số lợn chết, tiêu hủy, hoàn thiện thủ tục để nhận hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, một số huyện vẫn đang băn khoăn về thời điểm tính, hình thức hỗ trợ thiệt hại.

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Theo văn bản hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện Nghị định số 02/2017/NÐ-CP, thời điểm xác định thiệt hại tính từ thời điểm huyện công bố dịch. Tuy nhiên, để công bố dịch, huyện phải mất 7 - 10 ngày để gửi mẫu và chờ kết quả xét nghiệm của Cục Thú y. Nếu theo hướng dẫn thì số lợn chết, tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi trước thời điểm công bố dịch không được hỗ trợ sẽ rất thiệt thòi cho người dân. UBND huyện kiến nghị các cơ quan chuyên môn của tỉnh tiếp tục nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ sát với thực tế hơn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Ðỗ Thái Mỹ cho biết: Thời điểm tính hỗ trợ là từ khi công bố dịch đến khi công bố hết dịch. Trường hợp đặc biệt, ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên (chưa đủ điều kiện công bố dịch) cần phải tiêu hủy gia súc, gia cầm theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch để hạn chế dịch lây lan thì thời điểm xảy ra thiệt hại là khoảng thời gian từ khi phát sinh ổ dịch đến khi kết thúc ổ dịch. Thực tế, trường hợp này không nhiều. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu chính quyền cấp huyện, xã phải thực hiện đúng quy trình, thận trọng từng bước để chính sách hỗ trợ đến với người dân kịp thời, đúng đối tượng.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top