Chính sách thuế và hải quan khi thực hiện CPTPP: Mở ra nhiều cơ hội phát triển

09:52 - Thứ Ba, 11/06/2019 Lượt xem: 11633 In bài viết

Kể từ ngày 14-1-2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đối với Việt Nam, Chính phủ đã triển khai xây dựng sửa đổi, bổ sung 8 luật, 4 nghị định liên quan… Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam và dự kiến sẽ ban hành trong tháng 6 này. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh...

Cơ hội phát triển thị trường mới

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh cho biết: “Hiệp định CPTPP có hiệu lực, chúng tôi thấy ngay lợi ích của doanh nghiệp về thuế quan. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường mới, tăng sản lượng bán hàng. Hiện tại, 95% sản phẩm của công ty đang xuất khẩu sang các thị trường: Nhật Bản, Australia, Đức, Anh, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan… nên chúng tôi thấy rõ lợi ích rất to lớn và lâu dài của CPTPP". 

 

Sản xuất gốm tại Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (Hà Nội).

Cũng theo bà Hà Thị Vinh, để nắm bắt được cơ hội vàng, các doanh nghiệp làng nghề thủ công mỹ nghệ phải tiếp tục đầu tư thêm cơ sở sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực và nhất là ý tưởng thiết kế mẫu mã mới để tận dụng những ưu đãi về thuế và hải quan trong CPTPP.

Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện nay mặt hàng da giày và dệt may đang được doanh nghiệp tận dụng tốt quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP khi xuất khẩu sang thị trường Canada. Nếu đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ, sản phẩm giày dép xuất khẩu vào Canada sẽ được hưởng mức thuế 0% thay cho mức thuế 18% như hiện nay. Bên cạnh đó, để tận dụng tối đa những ưu đãi thuế trong CPTPP, các doanh nghiệp nên so sánh với lộ trình giảm thuế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tận dụng được ưu đãi tối đa từ các thị trường nhập khẩu trong CPTPP.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tác động của CPTPP với doanh nghiệp không chỉ là cơ hội tăng cường xuất khẩu khi thuế cắt giảm mà còn là những lợi ích nhờ cải cách thể chế. Những cam kết trong CPTPP đang tạo ra sức ép cải cách thể chế với Chính phủ và đây sẽ là lợi ích không đo đếm được với doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cần nắm chắc lộ trình

Nói về chính sách thuế ưu đãi mới trong bối cảnh thực hiện CPTPP, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính Vũ Như Thăng cho biết, theo dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện CPTPP sẽ có lộ trình 4 năm (2019-2022). Đây là khoảng thời gian tương đối hợp lý cho doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Khi đó, các doanh nghiệp đã có tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu vào các nước thành viên CPTPP sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt từ ngày 14-1-2019.

Để được hưởng ưu đãi, các doanh nghiệp cần đáp ứng 4 điều kiện: Thứ nhất, các doanh nghiệp xem danh sách các nước (xuất, nhập khẩu) đã thực thi CPTPP hay chưa (đến nay ngoài Việt Nam còn 6 trong tổng số 11 nước phê chuẩn và thực thi hiệp định này gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia). Thứ hai, với lộ trình của biểu thuế 4 năm, các doanh nghiệp cần rà soát xem sản phẩm của mình thuộc dòng hàng nào và lộ trình cắt giảm của dòng hàng đó. Ví dụ, đối với ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản, mức thuế trong năm 2019 sẽ giảm về 64%, các năm tiếp theo sẽ tiếp tục giảm thêm 6% mỗi năm. Thứ ba, để được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp cần có hồ sơ hàng nhập khẩu tại nước nhập khẩu và phải có chứng từ vận tải. Thứ tư, hàng hóa phải có chứng nhận xuất xứ từ các nước thuộc CPTPP.

Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt bao gồm 2 nhóm nước là những nước đã thực hiện CPTPP từ cuối năm 2018 (Canada, Australia, New Zealand và Singapore) và nhóm nước thực hiện từ năm 2019. Theo đó, khi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thì cần đọc biểu thuế để nắm được lộ trình giảm thuế. 

Liên quan đến thuế nhập khẩu, do biểu thuế ưu đãi chưa được ban hành nên hiện tại khi xuất khẩu hàng sang các nước CPTPP doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế bình thường và phải có 2 loại hồ sơ: Chứng từ vận tải và hồ sơ khai hải quan. Sau đó, trong vòng một năm sau khi hàng hóa đến đích, doanh nghiệp sẽ mang hồ sơ tới cơ quan hải quan để được hoàn thuế. Ông Thăng lưu ý thêm, các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu, còn việc hàng hóa đó có vào được thị trường CPTPP hay không là phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu, cũng như yêu cầu về xuất xứ hàng hóa.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Dương Thái cho rằng, thực hiện Hiệp định CPTPP, ngành Hải quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan. Bên cạnh việc tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện và trình Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/TT-BTC về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa, trong đó có quy định cụ thể về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa theo CPTPP.

Rõ ràng, để tận dụng những chính sách ưu đãi trong thực hiện Hiệp định CPTPP như giảm thuế và thông thoáng thủ tục hải quan, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam cần nắm chắc lộ trình thực hiện để chủ động khai thác có hiệu quả.
P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top