Trầm lắng thị trường bất động sản

09:06 - Thứ Năm, 13/06/2019 Lượt xem: 13784 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh đã trầm lắng hơn những năm trước đây. Dọc các tuyến đường từ vùng ven đến nhiều khu vực trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ và trung tâm các huyện đều thấy dán thông báo bán nhà đất; các trang mạng xã hội như: facebook, zalo cũng nhan nhản thông tin cần sang nhượng nhà đất... nhưng hầu hết là của phía “cung” mà rất ít tín hiệu từ phía “cầu” .

 

Nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ giá đất đã “giảm nhiệt”. Ảnh: Mai Phương

Ít người mua

Với nhiều người, đầu tư bất động sản (BÐS) được coi là kênh đầu tư an toàn, đơn giản, hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian gần đây BÐS đang khiến các nhà đầu tư (NÐT) lo lắng và phải tính toán kỹ làm thế nào để bảo toàn vốn và sinh lời. Một số nhà đầu tư BÐS ít vốn đã rao bán ồ ạt, thậm chí là chấp nhận lỗ. Nhiều hộ dân ở gần trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ cũng muốn sang nhượng đất lấy vốn làm ăn nhưng không có người mua.

Sở hữu mảnh đất 100m2 đối điện Sân bay Ðiện Biên, đã rao bán đất 3 năm nay, song chị Trần Thị Hương vẫn chưa bán được. Mặc dù có vị trí khá “đắc địa” song để bán nhanh, chị Hương đã hạ giá nhưng chưa có người mua. Tương tự là chị Nguyễn Mai Anh, người đang rao bán lô đất tại tổ 10, phường Thanh Trường, TP. Ðiện Biên Phủ đã lâu nhưng vẫn chưa bán được dù có nhiều người gọi điện hỏi, hoặc đến tận nơi xem đất.

Trước đây, thị trường đất nền trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ liên tục tăng giá. Với những vị trí “đắc địa”, thuận lợi cho kinh doanh thương mại, dịch vụ như đường 279, đường Võ Nguyên Giáp có giá trên dưới 1,5 tỷ đồng/mét mặt đường, sâu khoảng 20m. Còn ở những khu đô thị mới, trung tâm các huyện trên địa bàn tỉnh có đường rộng từ 13 - 20m cũng có giá dao động từ trên 1 tỷ - 2 tỷ đồng/lô (khoảng 100m2. Dù giá đất tại Ðiện Biên ở mức cao, song theo khảo sát của phóng viên, thời điểm hiện tại đã giảm khoảng 10 - 20% so với trước, kéo theo đó là lượng giao dịch bất động sản giảm. Các bảng quảng cáo, tờ rơi rao vặt bán đất không còn được quan tâm nhiều. Hơn nữa, các dịch vụ tiện ích, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà nghỉ… ở Ðiện Biên không tăng mấy so với những năm trước; quỹ đất của thành phố không còn nhiều, nên khả năng mở rộng các khu đô thị, trung tâm thương mại cũng hạn chế.

Liệu có “sốt” trở lại?

Theo thống kê từ Sở Tài nguyên - Môi trường: Năm 2017, toàn tỉnh đã thực hiện cấp 7.797 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; năm 2018 giảm xuống 6.118 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, TP. Ðiện Biên Phủ cấp 2.910 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2017 thì đến năm 2018 cũng giảm còn 1.807 giấy chứng nhận; từ đầu năm 2019 đến nay mới cấp 648 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (cấp lần đầu, cấp biến động). Anh Lê Văn Sinh, một người tham gia thị trường bất động sản lâu năm cho biết: Thị trường bất động sản năm nay chậm hơn, tỷ lệ giao dịch chỉ bằng 2/3 so với năm trước, dù vẫn giữ giá trung bình từ khoảng 600 triệu đồng đến khoảng 1,5 tỷ đồng trên mỗi mét mặt đường, tùy từng vị trí. Về mặt bằng chung, giá đất nền ở Ðiện Biên không quá đắt so với các tỉnh, thành phố khác cùng khu vực như: Lào Cai, Sơn La. Tuy nhiên, quỹ đất ở của tỉnh bị hạn chế bởi chủ yếu là đất rừng và đất lúa, còn tại khu vực TP. Ðiện Biên Phủ thì quỹ đất còn rất ít.

Bên cạnh đó, việc lãi suất tín dụng cao cũng khiến nhiều NÐT bất động sản đang phải vay ngân hàng muốn bán sớm để thu hồi vốn. Anh Dương Văn Hiếu, đại diện một sàn giao dịch bất động sản cho biết: Hiện nay, việc vay vốn ngân hàng không còn dễ như trước nên nhiều NÐT dù nhận thấy tiềm năng từ nhà đất cũng đành chịu do lãi suất quá cao. Muốn đầu tư BÐS, dù chỉ là kinh doanh dạng “ký gửi”, vốn huy động tối thiểu phải có vài tỷ đồng, đây không phải là khoản tiền dễ vay với lãi suất thấp. Hơn nữa, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ngành Ngân hàng đã có những biện pháp siết chặt, như: Thực hiện giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực BÐS, chứng khoán. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cũng góp phần đưa thị trường BÐS về đúng giá trị thực. Bởi lâu nay, BÐS luôn bị đẩy giá lên quá cao khiến những người thực sự có nhu cầu lại khó mua được.

Ðược biết, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ hàng loạt giải pháp cho thị trường BÐS, trong đó có việc hạn chế, tiến tới chấm dứt việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch BÐS, nhất là đối với các hợp đồng huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, giao dịch thuê nhà ở… để giảm áp lực tiền mặt và hạn chế rủi ro cho các bên tham gia. Ðây là việc làm cần thiết bởi rủi ro tín dụng chủ yếu nằm ở phân khúc thị trường BÐS. Trong giai đoạn khó khăn, lãi suất cao, tín dụng thắt chặt, các dự án BÐS đứng trước thách thức rất lớn trong triển khai đầu tư. Giá đất giảm, thị trường trầm lắng và liệu cuối năm nay thị trường bất động sản Ðiện Biên có khởi sắc?

Mai Phương
Bình luận
Back To Top