Thương mại điện tử: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

08:08 - Thứ Sáu, 21/06/2019 Lượt xem: 9701 In bài viết
ĐBP - Trong thời đại công nghệ ngày nay, xu hướng mua bán thông qua các giao dịch thương mại điện tử (TMÐT) ngày càng phổ biến. Thậm chí nhiều người còn hình thành thói quen mua sắm trực tuyến đến mức khó bỏ. Bởi lẽ thông qua các phương tiện điện tử, các hoạt động thương mại được thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí cho cả người mua và người bán. Lợi ích là vậy, nhưng hiện nay, hầu như các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn đang khá thờ ơ, bỏ ngỏ tiềm năng của loại hình thương mại hiện đại này.

TMÐT được biết tới như một phương thức kinh doanh hiệu quả từ khi internet hình thành và phát triển. Chính vì vậy, nhiều người hiểu đơn giản TMÐT là giao dịch thương mại, mua sắm qua mạng internet. Lợi ích lớn nhất mà TMÐT đem lại chính là sự tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch. Người mua chỉ cần ngồi tại nhà, truy cập vào website của nhà cung cấp, lựa chọn sản phẩm mình cần mua và phương thức thanh toán là đã có được sản phẩm ưng ý. Tương tự như vậy, người bán hàng cũng chỉ cần đăng tải sản phẩm lên website, lựa chọn nhiều cách quảng cáo, như: Mạng xã hội, email, tin nhắn... là tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng với chi phí rẻ và thời gian nhanh chóng. TMÐT có thể coi là sân chơi lớn, đầy tiềm năng để các doanh nghiệp chuyển đổi hình thức kinh doanh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Thêm nữa, TMÐT còn góp phần không nhỏ phát triển nên ngành nghề mới - shipper (người giao hàng). Trung bình mỗi ngày, chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ có đến hàng trăm shipper hoạt động hết công suất với hàng nghìn đơn hàng - đa phần là qua hình thức đặt hàng trực tuyến được trao đến tay khách hàng. Ðiều đó cho thấy thị trường TMÐT trên địa bàn tỉnh ta đang hết sức sôi động và có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, đa phần các giao dịch trên đều tới từ các đơn vị, doanh nghiệp ngoài tỉnh, còn các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn thì hầu như không có hoặc vài hoạt động nhỏ. Có chăng chỉ là các cá nhân, cơ sở nhỏ tận dụng ưu thế của mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng nhưng phương thức giao dịch vẫn truyền thống bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng. Lý giải về thực trạng trên bà Nguyễn Thị Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, lĩnh vực kinh doanh chính là buôn bán nhỏ lẻ và xây dựng. Nhiều doanh nghiệp đã có nhận thức và trang bị một phần hạ tầng phục vụ ứng dụng TMÐT. Song việc chuyên môn hóa về TMÐT chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Nói đơn giản như việc Trung tâm tổ chức các lớp đào tạo cung cấp kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp về TMÐT để áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng các doanh nghiệp hết sức hờ hững, tham gia không thực sự nhiệt tình. Hoặc các doanh nghiệp xây dựng website, fanpage trên mạng xã hội... nhưng chủ yếu cũng chỉ để giới thiệu sản phẩm chứ chưa tập trung vào việc bán hàng qua mạng. Thêm nữa là nguồn nhân lực cho TMÐT chưa thực sự được đào tạo bài bản, lại không ổn định tại một vị trí cụ thể cũng khiến cho doanh nghiệp, đơn vị khó khăn trong việc phát triển loại hình này.

Ðể đẩy mạnh hơn việc ứng dụng phát triển TMÐT trên địa bàn, những năm qua UBND tỉnh cũng đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể. Trong năm nay, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức 1 lớp tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh với chủ đề: “Ứng dụng các công cụ marketing trực tuyến vào hoạt động kinh doanh”. Ðồng thời, hỗ trợ 3 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, có thể xử lý một khối lượng lớn dữ liệu, nâng cao hiệu quả kinh doanh, quản lý hiệu quả các nguồn lực. Xây dựng giải pháp xúc tiến thương mại trực tuyến trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên là một bức tranh phản ánh từ tổng quan đến chi tiết thực trạng và qui mô thị trường tại địa phương. Trong đó bao gồm khảo sát thực trạng mạng lưới phân phối trên toàn địa bàn trong tỉnh, qui luật vận hành - dòng chảy hàng hóa, hệ thống hậu cần, các đầu mối (nhà phân phối lớn) và hệ thống đại lý, cửa hàng... giải pháp sẽ giúp doanh nghiệp có được công cụ cho bài toán kinh doanh bằng việc giảm chi phí, hoạch định chiến lược sản xuất, phát triển hệ thống phân phối, bán hàng đến tận nông thôn, vùng sâu vùng xa. Mong rằng, với các giải pháp cụ thể đó, thị trường TMÐT trên địa bàn tỉnh sẽ dần được đánh thức tiềm năng, bắt kịp với xu thế của thời đại công nghệ số.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top