Đề xuất Ủy ban Chứng khoán vẫn trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng sẽ tăng thẩm quyền

09:57 - Thứ Ba, 13/08/2019 Lượt xem: 9153 In bài viết

Chiều 12-8, trong khuôn khổ chương trình nghị sự phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Một trong những vấn đề này là quy định về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh đề xuất lựa chọn phương án 2.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, có 2 loại ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất tán thành mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập và trực thuộc Chính phủ để quyết định nhiều vấn đề trực tiếp hơn theo thông lệ quốc tế.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, mô hình Ủy ban Chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính đã và đang hoạt động tốt, phù hợp với chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập cho Ủy ban Chứng khoán trong hoạt động.

Cơ quan thẩm tra đề xuất 3 phương án. Phương án 1 (cũng là phương án mà Chính phủ trình) là Ủy ban Chứng khoán nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng có chỉnh lý theo hướng bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ.

Phương án 2 là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng tăng thêm tính độc lập, thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với sở giao dịch chứng khoán và tổng công ty lưu ký.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tổ chức và toàn bộ hoạt động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do Chính phủ quy định.

Đa số Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất lựa chọn phương án này.

Phương án 3 là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập, trực thuộc Chính phủ. Theo phương án này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền chủ động xây dựng chiến lược, đề xuất chính sách với Chính phủ về chứng khoán và thị trường chứng khoán; là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước của sở giao dịch và tổng công ty lưu ký, có đầy đủ quyền hạn quản lý và giám sát toàn diện thị trường, bảo đảm tính độc lập theo nguyên tắc của IOSCO, thực hiện được khuyến nghị của FSAP, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước độc lập giúp cho việc quản lý thống nhất ban hành quy chế, chủ động về tổ chức nhân sự, ngân sách sẽ tăng cường hiệu quả quản lý, tăng trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực của thị trường, góp phần quan trọng để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Chính phủ bảo đảm tính hiệu quả và thống nhất hơn trong giai đoạn hiện nay, tách bạch giữa chức năng của cơ quan quản lý tài chính nhà nước với chức năng của các tổ chức hoạt động trung gian tài chính. Tuy nhiên, theo phương án này sẽ phát sinh thêm đầu mối trực thuộc Chính phủ, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

PV (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top