Nông dân Tà Lèng liên kết phát triển gà thả đồi

08:56 - Thứ Tư, 25/09/2019 Lượt xem: 14121 In bài viết

ĐBP - Ðể các mô hình chăn nuôi gà mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tà Lèng (TP. Ðiện Biên Phủ) đã cùng liên kết để hỗ trợ nhau trong kỹ thuật chăm sóc, phòng, trị bệnh và tìm nguồn tiêu thụ. Cụ thể, 12 gia đình đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ và Du lịch xã Tà Lèng từ cuối năm 2017 với định hướng đầu tiên và chủ yếu là nuôi gà thả đồi.

Ông Lê Văn Lương chăm sóc lứa gà thả đồi chuẩn bị đến kỳ xuất bán.

Xác định loại gà có giá trị kinh tế cao và sức cạnh tranh trên thị trường, các hộ thành viên HTX Nông nghiệp dịch vụ và Du lịch xã Tà Lèng đều đồng thuận phát triển gà thả đồi theo hướng an toàn sinh học, trong đó phần lớn là giống gà đen bản địa, thịt chắc, thơm và dinh dưỡng cao. HTX thường xuyên duy trì, liên tục gối đàn trên 3.000 con/lứa. Hầu hết thành viên trong HTX là nông dân người dân tộc thiểu số trên địa bàn, dù đã chăn nuôi lâu năm nhưng kiến thức về lĩnh vực này vẫn rất hạn chế. Vì thế trước đây đàn vật nuôi của nhiều hộ thường xuyên bị dịch bệnh và chậm lớn do nuôi thả không có sự chăm sóc. Ðể đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đúng tiêu chí chăn nuôi an toàn sinh học do các hộ đã đồng thuận lựa chọn, HTX cử 1 thành viên có chuyên môn về thú y đảm nhiệm hỗ trợ các gia đình về cách thức chăn nuôi, làm chuồng trại, tiêm phòng, chống dịch bệnh, trị bệnh… Ðồng thời thường xuyên mở các buổi họp trao đổi, hướng dẫn các hộ thành viên những nội dung này và tổ chức kiểm tra chéo giữa các hộ để đảm bảo việc thực hiện.

Tham gia HTX từ những ngày đầu, gia đình anh Hoàng Văn Sung, bản Kê Nênh hiện là mô hình kinh tế tiêu biểu trên địa bàn, trong vườn lúc nào cũng có gần 300 con gà đen. Từ lợi nhuận những lứa gà trước, đầu năm nay, gia đình anh đã xây dựng chuồng trại rộng rãi, đúng chuẩn để đầu tư nuôi gà quy mô lớn hơn. Anh Sung chia sẻ: Cách đây vài năm, tôi đầu tư nuôi 100 con gà nhưng đến khi gần xuất bán được thì gà bị dịch đều chết hết. Mặc dù lúc đó rất chán nản nhưng tôi vẫn nung nấu quyết tâm phát triển chăn nuôi gà để tận dụng khu đất trống, dốc sau nhà. Tôi đã tự mày mò, học hỏi cách thức chăn nuôi, rồi thấy nhiều người vận động thành lập HTX Nông nghiệp dịch vụ và Du lịch xã Tà Lèng liền mạnh dạn đăng ký làm thành viên. Khi tham gia, được các hộ chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ, tôi chăn nuôi tự tin hơn hẳn, mấy lứa gà gần đây đều lớn nhanh, khỏe mạnh. Ðến khi gà có thể xuất chuồng, vợ chồng tôi mang ra chợ bán một lúc là hết, trung bình mỗi con nặng gần 2kg, giá bán 150.000 đồng/kg. Nhờ vậy kinh tế gia đình no đủ, khấm khá hơn.

Có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm, gia đình ông Lê Văn Lương, bản Tà Lèng là hộ thành viên nuôi quy mô lớn nhất của HTX với gần 1.500 con gà/lứa. Trên khu đồi dốc đứng trồng nhiều loại cây sau nhà, ông dùng dây thép gai quây một diện tích rộng, bên trong làm chuồng khá đơn giản. Ông Lương cho biết: Mỗi lứa gà nhà tôi đều được tiêm phòng đầy đủ, phòng và trị bệnh theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y. Ngoài ra khu chuồng trại của gia đình cách biệt với các hộ khác nên phần nào hạn chế lây bệnh. Gà được thả dưới các tán cây, trong đó có những cây dược liệu nên có vẻ cũng khỏe hơn và chắc thịt, giá cả đảm bảo. Năm 2018, gia đình tôi thu nhập từ chăn nuôi gà là 170 triệu đồng.

Mặc dù mỗi hộ thành viên đều phát triển gà tương đối ổn định nhưng HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi đa số thành viên có cuộc sống chưa mấy dư dả nên khả năng đầu tư hạn chế, một số hộ vẫn còn quen tập quán chăn nuôi cũ, dù có cải thiện về việc phòng trị bệnh, chế độ ăn uống cho gà nhưng hiệu quả chưa cao. Ông Vũ Khải, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ và Du lịch xã Tà Lèng cho biết: Hiện nay, thị trường gà thịt trên địa bàn tỉnh ta xuất hiện nhiều loại từ các nơi khác vận chuyển lên, dù chất lượng không bằng gà thả đồi của HTX chúng tôi nhưng giá rẻ hơn nên gà bản địa khó cạnh tranh. Việc tiêu thụ đến nay thực ra vẫn chưa bền vững, mỗi hộ đều phải tự liên hệ tìm đầu ra hoặc mang gà đến chợ bán. Vì vậy HTX xác định trợ giúp, quản lý chặt chẽ các hộ tiếp tục nuôi gà theo hướng an toàn sinh học để đăng ký công nhận sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh. Ðồng thời nhân rộng mô hình chăn nuôi gà, hướng đến chuyển sang chủ yếu là gà xương đen, quy mô trung bình mỗi hộ 200 - 300 con/lứa. Ngoài ra, HTX đang đẩy mạnh kết nối với các nhà hàng, khách sạn, chợ đầu mối tìm nguồn tiêu thụ ổn định cho các hộ thành viên, để việc phát triển các giống gà bản địa thực sự là hướng đi đúng đắn cho người dân xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top