Giữ rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

08:58 - Thứ Tư, 25/09/2019 Lượt xem: 12657 In bài viết

ĐBP - Thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của người dân, nhất là chủ rừng, hộ nhận khoán rừng trên địa bàn huyện Mường Chà từng bước được nâng cao. Nhờ chính sách này mà người dân sống gần rừng, sống bằng nghề rừng có thêm thu nhập, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Khi cuộc sống được cải thiện nhờ giữ rừng, bà con chung tay, tích cực bảo vệ rừng; giảm thiểu được tình trạng đốt, phá rừng làm nương như nhiều năm về trước.

Cán bộ kiểm lâm, người dân xã Sa Lông (huyện Mường Chà) phát quang dây leo, chăm sóc cây rừng.

Chúng tôi về Sa Lông 1 - một trong số bản làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng của xã Sa Lông để tìm hiểu về chính sách chi trả DVMTR. Ông Chớ A Chu, Trưởng bản Sa Lông 1 tâm sự: Ðể có được những cánh rừng xanh tốt như bây giờ không phải chuyện dễ dàng, bởi 147 hộ trong bản cuộc sống phụ thuộc vào hạt thóc, bắp ngô trồng trên nương do cơ bản không có đất trồng lúa nước. Bao đời nay vẫn vậy nên phần lớn bà con cho rằng không làm nương thì không có lương thực để duy trì cuộc sống, chưa kể tới bao việc phải trang trải đều trông cả vào sản xuất trên nương. Và đương nhiên làm nương thì ít nhiều cũng ảnh hưởng tới việc bảo vệ, giữ rừng vì muôn vàn lý do, như sơ ý đốt nương cháy lan vào rừng, thậm chí trước đây một số hộ đã lén lút phá rừng để lấy đất làm nương… Nhưng đó là chuyện xưa cũ, bởi từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, bà con trong bản Sa Lông 1 được hưởng lợi về kinh tế từ 289ha rừng mang lại. Ông Chu cho biết: Hàng năm, chủ rừng là cộng đồng thôn bản chúng tôi được tạm ứng tiền chi trả DVMTR rồi sau khi cơ quan chuyên môn nghiệm thu diện tích cung ứng sẽ được chi trả toàn bộ tiền theo đơn giá hàng năm. Nhận tiền DVMTR, bà con trong bản phần mua lương thực, phần trang trải cuộc sống. Vì thế mỗi hộ dân đều ý thức hơn việc bảo vệ, giữ rừng. Bản đã thành lập 1 tổ chuyên trách bảo vệ rừng với 10 thành viên tham gia, thường xuyên đi tuần tra, kiểm soát rừng để phát hiện những hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Coi rừng như tài sản quý, bà con đều ý thức chung tay giữ rừng. Cây rừng điều hòa khí hậu, cung cấp nước sản xuất vì vậy thêm nhiều diện tích nương khô cằn trước đây được bà con cải tạo, khai hoang thành ruộng bậc thang để trồng lúa, hoa màu. Từ năm 2018 đến nay, người dân đã khai hoang, cải tạo hơn 3ha ruộng bậc thang đưa vào sản xuất vừa góp phần bổ sung lương thực vừa giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng, trồng dứa dưới tán rừng tăng thu nhập... Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, song bằng tinh thần đoàn kết chung tay bảo vệ rừng mà nhiều năm qua ở bản Sa Lông 1 không xảy ra tình trạng chặt, phá rừng làm nương.

Thấy được lợi ích từ việc bảo vệ và giữ rừng nên không chỉ người dân bản Sa Lông 1 chung tay bảo vệ rừng mà chủ rừng ở các xã trên địa bàn huyện Mường Chà cũng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ, phát triển vốn rừng. Nhờ đó, việc tuyên truyền chính sách pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, chính sách chi trả DVMTR rừng tới người dân thuận lợi hơn trước. Bảo vệ rừng không còn là việc riêng của cấp ủy, chính quyền địa phương hay bị phó mặc cho lực lượng kiểm lâm như nhiều năm trước mà đã huy động sự tham gia tích cực của nhân dân.

Hiện nay, huyện Mường Chà có hơn 44.483,7ha đất lâm nghiệp có rừng; trong đó có gần 41.000ha rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR. Toàn bộ diện tích rừng của huyện nằm trên lưu vực sông Ðà, một phần nằm trong lưu vực suối Nậm Mức, Nậm He, người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách chi trả DVMTR, góp phần giúp bà con cải thiện cuộc sống. Năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả hơn 36,7 tỷ đồng cho 15 chủ rừng là hộ gia đình, 107 chủ rừng là cộng đồng, 2 chủ rừng là tổ chức và 12 chủ rừng UBND xã, thị trấn. Không chỉ chi trả tiền DVMTR, cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh còn hướng dẫn chủ rừng quản lý và sử dụng đúng mục đích nguồn tiền DVMTR; giúp chủ rừng hiểu được những quy định quản lý tiền DVMTR tại thôn bản; thực hiện các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng, trồng rừng; hướng dẫn cho các hộ vay vốn để phát triển kinh tế; các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ rừng (pano, áp phích, diễn tập phòng chống cháy rừng…). Qua đó giúp chủ rừng quản lý, sử dụng đúng nguồn tiền DVMTR, thực hiện các hoạt động cải thiện sinh kế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top