Ghi chép

“Vá” lại áo cho mẹ thiên nhiên

09:00 - Thứ Năm, 26/09/2019 Lượt xem: 13642 In bài viết

ĐBP - Với mong muốn mang màu xanh phủ lại những cánh rừng và giúp người dân có thêm nguồn lợi từ việc trồng cây. Nhóm từ thiện “Nhân rộng màu xanh cho rừng” được thành lập và hoạt động. Bắt đầu từ năm 2018, nhóm hỗ trợ hàng trăm nghìn cây giống các loại cho các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Tủa Chùa, Ðiện Biên. Không chỉ vậy, việc hỗ trợ cây giống còn giúp mỗi người dân nâng cao hiểu biết, có trách nhiệm hơn trong việc trồng và bảo vệ rừng.

Ông Lò Văn Chính thăm diện tích keo được nhóm “Nhân rộng màu xanh cho rừng” hỗ trợ từ năm 2018.

Sau ba lần lỡ hẹn, vào một sáng đầu tháng 9, chúng tôi mới gặp được chị Trần Thị Phúc, thành viên cốt cán và cũng là người phụ trách hoạt động của nhóm “Nhân rộng màu xanh cho rừng” tại Ðiện Biên. Khó sắp xếp được cuộc hẹn như vậy bởi mùa mưa mới là “mùa” hoạt động chính của nhóm nên các thành viên phải tỏa về các địa phương trao cây giống cho bà con. Trò chuyện với chúng tôi, chị Trần Thị Phúc chia sẻ: Ý tưởng về việc trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc được chị và bạn nhóm trưởng Vũ Thúy Phương nhen lên từ những lần tham gia công tác từ thiện tại các địa phương trong tỉnh. Các chị thấy rằng còn nhiều diện tích đất bị bỏ trống, nhiều mảnh đồi, vạt núi trơ trọi chẳng bóng cây xanh… Vì vậy, các chị quyết tâm làm gì đó để “vá” lại tấm áo cho mẹ thiên nhiên. Thành lập từ tháng 4/2018, nhóm từ thiện “Nhân rộng màu xanh cho rừng” gồm thành viên là cán bộ công chức, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trên mọi miền Tổ quốc cùng chung mong muốn trả lại màu xanh cho rừng; đồng thời, giúp bà con nông dân xóa đói giảm nghèo từ chính những cây trồng mà họ dày công chăm sóc. Khi nhóm mới thành lập, chị cùng một thành viên nữa thường rong ruổi chiếc xe máy đến khắp các xã, huyện để tìm kiếm sự đồng thuận của địa phương. Nhưng có thể họ - đại diện chính quyền các địa phương vẫn chưa hiểu được mục đích nhóm hướng tới là gì nên các chị chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Phải đến khi các chị tới xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo thì mới tìm được tiếng nói chung của cán bộ nơi đây. Thế là những đợt cây giống đầu tiên được chuyển tới tay người dân của xã Quài Cang. Ban đầu nhóm lựa chọn những hộ nạn nhân chất độc da cam để hỗ trợ giống cây ăn quả. Nhưng do giá thành cây ăn quả khá cao, nếu cứ tiếp tục sẽ không hỗ trợ được nhiều người dân. Chính vì vậy, các thành viên bàn nhau hỗ trợ trồng cây phân tán, trộn các cây dài ngày và ngắn ngày như sa mộc, dổi hạt, xà cừ, bạch đàn và cây keo để nhiều người được nhận cây giống hơn nữa. Ngoài cung cấp cây lâm nghiệp, nhóm còn cung cấp thêm cỏ vetiver để người dân nhân rộng trồng trên địa bàn. Vừa làm thức ăn cho trâu, bò, cá, cỏ vetiver rất thích hợp để tạo một rào cản thực vật dày đặc ở các vị trí trồng cây hằng năm hoặc lâu năm, trồng để chống xói mòn ở các sườn dốc của xa lộ hoặc dọc theo các bờ đê quanh ao hoặc hồ chứa nước.

Ðể có một lượng lớn giống cây hỗ trợ cho bà con, nhóm từ thiện thực hiện kêu gọi ủng hộ, quyên góp từ các nhà hảo tâm khắp mọi miền Tổ quốc bằng nhiều kênh khác nhau, nhất là thông qua mạng xã hội. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm cũng tự gây quỹ bằng việc bán những sản phẩm đặc trưng của Ðiện Biên, như: Gạo, măng, miến… số tiền lãi sẽ được nhóm dành cho mua giống cây. Ngoài ra, nhóm còn tìm tòi, nghiên cứu cách thức ươm cây giống để giảm chi phí ban đầu bỏ ra. Khi có cây giống, nhóm tổ chức trao tận tay người nông dân, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật và thường xuyên tới thăm, động viên họ kiên trì với công cuộc trồng rừng. Bắt đầu từ xã Quài Cang, hoạt động của nhóm lan rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh. Trong năm 2018, cùng với Tuần Giáo, nhóm từ thiện còn cấp giống cho bà con ở các huyện: Ðiện Biên, Mường Ảng với tổng số gần 60.000 cây các loại. Hiện các cây trồng đang sinh trưởng và phát triển tốt, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc. Người dân được hỗ trợ cây giống rất phấn khởi và có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng. Thêm một tín hiệu vui nữa là ngày càng có nhiều hộ dân, các địa phương liên hệ với các thành viên của nhóm xin cây giống về trồng. Tính đến hết mùa mưa năm nay, tổng diện tích cây phân tán mà nhóm nhân rộng đạt tới hơn 600ha với khoảng hơn 500.000 cây giống giao tới tay người dân.

Trước cuộc trò chuyện với chị Phúc, chúng tôi đã được ông Lò Văn Chính, bản Sái Ngoài, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) dẫn lên thăm thành quả “vá” rừng của nhóm tại nơi ông sinh sống. Vốn là thành viên tích cực của nhóm, hiếm khi ông Chính vắng mặt trong những chương trình trao cây giống cho bà con. Thế nên, vừa dẫn đường, ông vừa có thể “thuyết minh” tường tận về từng gốc cây được nhóm hỗ trợ trồng bao giờ, do gia đình nào chăm sóc… Ông Chính tâm sự: Chúng tôi hỗ trợ cho người dân theo hình thức trồng cây phân tán, cứ chỗ nào có đất trống thì động viên họ trồng cây. Tuy nhiên, nhóm cũng có yêu cầu là người dân phải trồng đúng kỹ thuật, có tinh thần trách nhiệm cao, bảo vệ tốt cây trồng thì mới cấp giống. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên đi thăm những diện tích người dân trồng để ghi lại thành quả gửi cho các “mạnh thường quân” đã đóng góp cho nhóm. Trong thực tế, cây giống nhận về được bà con trồng, chăm sóc khá tốt, đúng hướng dẫn nên tỷ lệ cây chết rất ít. Thậm chí, nhiều diện tích cây ăn quả được hỗ trợ năm 2018 như: Cam, ổi… đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo nhẩm tính, đến thời điểm này, người dân các bản của xã Quài Cang được nhóm hỗ trợ hơn 100 nghìn cây trồng các loại, góp phần không nhỏ tăng diện tích cây trồng phân tán và cải thiện môi trường sinh thái trên địa bàn xã.

Cùng với nỗ lực của các cấp, ngành chuyên môn, hoạt động ý nghĩa của nhóm “Nhân rộng màu xanh cho rừng” đã mang lại hiệu quả không nhỏ trong việc tăng độ che phủ của rừng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Quan trọng và ý nghĩa hơn đó là việc người dân thấy được lợi ích của việc trồng rừng, ra sức bảo vệ rừng để rồi chính họ được hưởng lợi từ rừng. Các thành viên trong nhóm cũng xác định, để thực hiện được mục tiêu đề ra sẽ còn nhiều gian nan, khó khăn phía trước, nhất là về kinh phí, nhân lực... Vậy nên, nhóm rất mong sẽ có nhiều hơn các nhà hảo tâm, cá nhân, đơn vị ủng hộ, giúp đỡ nhóm để cùng chung tay “vá” lại tấm áo xanh cho mẹ thiên nhiên.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top