Gian nan “cán đích” nông thôn mới

08:50 - Thứ Sáu, 27/09/2019 Lượt xem: 13248 In bài viết

ĐBP - Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Tuần Giáo đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Chương trình từng bước trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp, diện mạo nông thôn thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có xã nào của huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ðiều đó cho thấy công cuộc phấn đấu “cán đích” nông thôn mới của Tuần Giáo còn lắm gian nan…

Nông dân xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) thu hoạch ngô.

Ðến nay, bình quân các xã của huyện Tuần Giáo đạt 8,9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (tăng hơn 4,2 lần so với năm 2010). Trong đó, xã Quài Nưa đạt 16/19 tiêu chí, xã Quài Tở đạt 15/19 tiêu chí, Quài Cang đạt 12/19 tiêu chí; 5/18 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 10 xã còn lại đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 49,37% (giảm 11,6% so với năm 2010)… Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện Tuần Giáo còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá tuy đã được đầu tư song chưa đáp ứng yêu cầu. Toàn huyện mới có 7/18 xã đạt tiêu chí số 6 (cơ sở vật chất văn hoá); 5/18 xã đạt tiêu chí số 14 (giáo dục đào tạo); 7/18 xã đạt tiêu chí số 9 (nhà ở dân cư). Thu nhập bình quân đầu người ở 18 xã đạt trung bình 16,9 triệu đồng/người/năm, thấp hơn nhiều con số 35 triệu đồng theo quy định. Vậy nên, 18/18 xã của huyện chưa đạt tiêu chí số 10 về thu nhập. Thêm nữa, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (trên 49%) cách biệt rất lớn so với tiêu chuẩn 12% nên 18/18 xã chưa đạt tiêu chí số 11 về hộ nghèo. Công tác vệ sinh môi trường được triển khai thực hiện song kết quả đạt được chưa cao, 4/18 xã chưa đạt tiêu chí số 17 (môi trường)… Do đó, đến thời điểm hiện tại, huyện Tuần Giáo mới chỉ có xã Quài Nưa cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới với 16/19 tiêu chí, chưa có xã “cán đích” nông thôn mới.

Cũng như các xã khác ở Tuần Giáo, xã Phình Sáng mới đạt 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong 13 tiêu chí chưa đạt, có nhiều tiêu chí khiến cấp ủy, chính quyền xã trăn trở. Ông Thào A Dơ, Phó Chủ tịch UBND xã Phình Sáng cho biết: Là xã vùng cao của huyện nên công tác xây dựng nông thôn mới của xã gặp không ít khó khăn. Ðơn cử như xã còn 3 bản Mý Làng B, Háng Chua, Phảng Củ chưa có điện nên việc thực hiện tiêu chí về văn hóa khó đạt được. Hay tiêu chí môi trường cũng không dễ gì thực hiện khi tập quán thả rông gia súc của người dân còn tiếp diễn, số lượng nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kinh tế của xã vốn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp nên thu nhập bình quân đầu người thấp với 6,5 triệu đồng/người/năm. Ðiều đó cũng dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 56%, quá cao so với quy định của tiêu chí… Còn xã Quài Nưa dù đã gần đạt chuẩn nông thôn mới nhưng vẫn chưa thể “cán đích” bởi 2 tiêu chí có liên quan đến nhau: Hộ nghèo và thu nhập. Bà Bạc Thị Thúy, Chủ tịch UBND xã Quài Nưa cho biết: Với đặc điểm kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn trên 41%, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 16 triệu đồng/năm nên tiêu chí 10 và tiêu chí 11 đành phải tiếp tục phấn đấu trong giai đoạn tiếp theo. Xã đang tích cực tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi ngành nghề, tìm việc làm ở ngoại tỉnh. Hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi sang chuyên canh sản xuất hàng hóa, thực hiện liên kết nhóm hộ trong sản xuất nông nghiệp. Có như vậy mới có thể thúc đẩy kinh tế của xã phát triển, từng bước hoàn thiện các tiêu chí còn lại trong xây dựng nông thôn mới.

Ngoài những vấn đề trên, phải kể đến những nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan khiến quá trình xây dựng nông thôn mới ở Tuần Giáo còn lắm gian nan. Ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Trong số các nguyên nhân có thể kể đến xuất phát điểm của các xã so với bộ tiêu chí còn thấp. Vào năm 2010 số tiêu chí bình quân/xã là 1 tiêu chí, tỷ lệ xã chưa đạt tiêu chí nào rất cao. Nhu cầu nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho xây dựng nông thôn mới lớn nhưng nguồn lực ngân sách các cấp có hạn. Hơn nữa, địa hình của huyện phức tạp, dân cư phân bố không đồng đều; phong tục tập quán, sinh sống của các dân tộc khác nhau, tập quán canh tác sản xuất còn lạc hậu, trình độ dân trí, sự hiểu biết của một bộ phận người dân trên địa bàn còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các tiêu chí. Không chỉ vậy, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền các cấp... về vị trí, vai trò của Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ, chưa quan tâm đầu tư đúng mức đến phát triển nông nghiệp, nông thôn hoặc chưa nhận thấy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình để tập trung phát triển kinh tế cho người dân. Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, ý thức trách nhiệm và tính năng động của một số cán bộ thuộc các phòng, ban chuyên môn huyện và các xã còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động về nông thôn mới còn chưa kịp thời và sâu rộng đến người dân. Chưa khơi dậy được ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống gắn với xây dựng nông thôn mới không chỉ là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền mà còn là nhiệm vụ của chính mỗi người dân. Thậm chí, nhiều hộ dân vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, “ngại” thoát nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Do vậy, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và người dân nhận thức đúng và đầy đủ về xây dựng nông thôn mới. Phải làm cho người dân xác định chính họ là chủ thể của xây dựng nông thôn mới thì Chương trình mới thật sự thành công.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top