Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

Ưu tiên tiêu chuẩn hóa các sản phẩm có sẵn

08:52 - Thứ Sáu, 27/09/2019 Lượt xem: 13614 In bài viết

ĐBP - Với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn có khả năng cạnh tranh trên thị trường góp phần phát triển kinh tế nông thôn, hiện nay Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được các huyện, thị xã, thành phố tích cực triển khai. Trong đó giai đoạn 2018 - 2020, chú trọng tiêu chuẩn hóa các sản phẩm đã có sẵn.

Khách hàng mua gạo chất lượng cao, an toàn thực phẩm tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH thực phẩm Safe Green.

Thực hiện Chương trình OCOP, các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn từ 1 - 2 sản phẩm trong các nhóm sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí và nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng để xây dựng và phát triển thành thương hiệu. Năm 2019, UBND tỉnh lựa chọn xây dựng 11 sản phẩm đạt chuẩn theo Chương trình OCOP. Quy trình OCOP được thực hiện theo 6 bước, trên nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm”, gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận ý tưởng sản phẩm; nhận kế hoạch kinh doanh; triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá, phân hạng sản phẩm và xúc tiến thương mại.

Ông Trần Văn Hòa, Phó phòng Quản lý kinh tế nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Tháng 11/2018, UBND tỉnh ra Quyết định số 1141/QÐ-UBND về việc phê duyệt Ðề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Tháng 3/2019, Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG của tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2019. Các cấp, ngành liên quan đã tập trung công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, người dân về mục đích, yêu cầu của Chương trình. Từ tháng 3 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 1 hội nghị cấp tỉnh để triển khai Chương trình; tổ chức 1 lớp tập huấn cho 40 cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện và 8 lớp tập huấn cho 465 cán bộ cấp huyện, xã, thôn bản; tổ chức 1 đoàn cán bộ cấp huyện, xã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tổ chức mô hình sản phẩm OCOP tại tỉnh Lào Cai; tham gia hội chợ sản phẩm OCOP tại các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Nam Ðịnh để tìm kiếm đối tác hỗ trợ Chương trình OCOP của tỉnh Ðiện Biên. Ðối với phát triển và xét duyệt sản phẩm, tỉnh ta tập trung tiêu chuẩn hóa các sản phẩm có sẵn trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các chủ thể sản phẩm phân tích, đăng ký, công bố chất lượng, bao bì nhãn mác theo đúng tiêu chuẩn OCOP. Theo kế hoạch, đến 10/10/2019, các địa phương phải hoàn thành đăng ký các sản phẩm xét duyệt năm 2019 với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cuối tháng 10 - đầu tháng 11/2019 sẽ tổ chức xét duyệt. Theo thống kê, đến nay có khoảng 25 sản phẩm đăng ký xét duyệt năm 2019, như: Chè Tủa Chùa, cà phê Hồng Kỳ (Tuần Giáo), cà phê Mường Ảng, đông trùng hạ thảo; thịt khô, rượu táo, rượu chuối (TP. Ðiện Biên Phủ), gạo chất lượng cao, mật ong (huyện Ðiện Biên)… Với mỗi thương hiệu, các chủ thể phát triển từ 1- 4 sản phẩm để xét duyệt.

Với các lợi thế về điều kiện tự nhiên và xã hội, đến nay huyện Ðiện Biên đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, sản phẩm như: Gạo chất lượng cao, rau an toàn, cây ăn quả… được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh. Huyện cũng có nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô hàng nghìn con. Bên cạnh các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, huyện có những sản phẩm đặc trưng như: Dệt thổ cẩm, sản phẩm mây tre đan được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, để sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP thì vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Nguyên nhân là do vẫn còn tư duy sản xuất nhỏ lẻ; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ và bền vững; việc áp dụng đồng bộ hóa tiêu chuẩn sản phẩm còn hạn chế dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; công tác đăng ký, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức… Do đó, thực hiện Chương trình OCOP năm 2019, huyện Ðiện Biên xác định tập trung tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho chủ thể các sản phẩm có tiềm năng, làm nền tảng để phát triển, đăng ký xét duyệt sản phẩm OCOP trong giai đoạn tiếp theo. Ðối với các sản phẩm đăng ký xét duyệt năm 2019, huyện tập trung vào sản phẩm chủ đạo là lúa gạo chất lượng cao tại các cơ sở: HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, HTX nông nghiệp công nghệ cao Bản Mé và Công ty TNHH thực phẩm Safe Green; mỗi đơn vị sẽ đăng ký 2 - 3 sản phẩm gạo để xét duyệt, công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top