Hiểu chính sách để giữ rừng tốt hơn

08:57 - Thứ Hai, 30/09/2019 Lượt xem: 12388 In bài viết

ĐBP - Cuối tháng 9 vừa qua, chúng tôi có dịp cùng cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh về TX. Mường Lay kiểm tra, giám sát, tuyên truyền về chính sách dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho các chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn, bản được nhận tiền DVMTR. Tại các bản, tổ dân phố: Huổi Min, tổ dân phố 6 (phường Sông Ðà); bản Tạo Sen, Mo 1, Mo 2 (xã Lay Nưa)… người dân đều vui mừng, phấn khởi. Nhiều năm qua, được hưởng lợi từ nguồn tiền chi trả DVMTR nên cuộc sống của bà con được cải thiện, ý thức giữ rừng càng tốt hơn.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng bản Ðớ (phường Na Lay, TX. Mường Lay).

Cộng đồng bản Huổi Min (phường Sông Ðà) có 100% dân cư là đồng bào dân tộc Mông sinh sống biệt lập trên lưng chừng núi. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song bao đời nay người dân nơi đây luôn ý thức việc giữ rừng và khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai thực hiện, bà con càng thêm phấn khởi, làm tốt hơn công tác bảo vệ và phát triển rừng. Có mặt từ sáng sớm để nghe cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR, ông Lầu A Sò, Trưởng bản Huổi Min cho biết: Dù dân bản được giao bảo vệ diện tích rừng không nhiều so với các bản ở các xã, phường khác trên địa bàn thị xã, song ý thức được việc giữ rừng - giữ lá phổi xanh nên người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, nhiều cánh rừng xanh tốt, tài nguyên rừng không bị xâm hại. Các gia đình thường xuyên cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn tham gia tuần tra bảo vệ. Ðược nghe cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tuyên truyền một số nội dung cơ bản của Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156/2018/NÐ - CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, hướng dẫn chủ rừng ghi chép sổ sách tuần tra bảo vệ rừng; sử dụng sổ tay quản lý, sử dụng tiền DVMTR đúng theo quy định… không chỉ tôi mà bà con trong bản đều phấn khởi. Qua tuyên truyền chúng tôi hiểu về tiêu chí xác định từng loại rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất); hiểu rõ hơn trách nhiệm của mỗi cá nhân, thành viên trong gia đình, cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; đối tượng, hình thức, mức chi trả DVMTR cũng như mức tạm ứng, được thanh toán tiền DVMTR hàng năm…

Tại cộng đồng bản Tạo Sen (xã Lay Nưa), điều bà con phấn khởi là vừa được nghe tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR vừa được cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng kiểm tra lại việc ghi chép sổ tay và việc sử dụng tiền chi trả DVMTR. Qua đó cán bộ nhắc nhở, hướng dẫn người dân ghi chép sổ tay chi trả DVMTR cụ thể, khoa học; hướng dẫn bà con sử dụng nguồn tiền DVMTR đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao. Hiện nay Lay Nưa là xã có diện tích rừng lớn nhất TX. Mường Lay, với hơn 2.700ha rừng được thụ hưởng chính sách chi trả DVMTR. Thực hiện công tác giao đất giao rừng, toàn bộ diện tích rừng trên được giao cho 16 cộng đồng dân cư tại các bản khoanh nuôi, bảo vệ. Năm 2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chi trả hơn 2,4 tỷ đồng cho các chủ rừng. Số tiền này thực sự có ý nghĩa với bà con nơi đây, bởi cuộc sống còn nhiều khó khăn do phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, trong khi diện tích gieo trồng lúa nước ít. Nguồn tiền chi trả DVMTR được nhận nhờ công bảo vệ, phát triển rừng đã giúp người dân trang trải cuộc sống, tái đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiều năm qua hơn 5.500ha rừng thuộc lưu vực sông Ðà (khu vực TX. Mường Lay) được thụ hưởng chính sách chi trả DVMTR và luôn được bảo vệ, phát triển tốt. Rừng có chủ cùng với tác động từ chính sách chi trả DVMTR đã góp phần chuyển biến tích cực nhận thức và hành động của mỗi người dân, cộng đồng thôn bản trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Vì vậy, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, tình trạng cháy rừng, phá rừng trái phép trên địa bàn thị xã những năm gần đây cơ bản đã không xảy ra.

Với mục tiêu bảo vệ tốt diện tích rừng trồng và diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh, đặc biệt là làm tốt công tác khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, giao rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ để được hưởng lợi từ tiền chi trả DVMTR. Do đó, nhiều diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng ở khu vực đồi núi dốc, xa khu dân cư được khoanh nuôi, bảo vệ. Ðồng thời, chính quyền thị xã thực hiện nghiêm túc, kịp thời việc hỗ trợ người dân bảo vệ rừng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, phát triển lâm sản ngoài gỗ, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ðến nay, gần 300ha rừng nghèo, qua quá trình khoanh nuôi, tái sinh đã thành rừng và được giao cho người dân, cộng đồng thôn, bản quản lý, bảo vệ, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top