Chuyển hướng chăn nuôi gia cầm khi dịch tả lợn châu Phi tái phát

08:19 - Thứ Tư, 02/10/2019 Lượt xem: 12297 In bài viết

ĐBP - Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi tái phát, diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, gây khó khăn cho người chăn nuôi, một số hộ nông dân đã chuyển hướng từ chăn nuôi lợn sang đầu tư phát triển đàn gia cầm. Ðây cũng là cách nắm bắt, đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời giúp duy trì phát triển chăn nuôi.

Người dân xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) chăm sóc đàn gia cầm.

Nhiều năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Hương, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) là hộ nông dân sản xuất giỏi cấp xã, với mô hình chăn nuôi lợn quy mô khoảng 500 con. Chăn nuôi đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp gia đình cải thiện đời sống. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn có diễn biến xấu, nhất là dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh. Bên cạnh đó, hiện nay người tiêu dùng cũng ưu tiên lựa chọn các loại thịt từ gia cầm. Nắm bắt hình đó, gia đình chị Hương đã chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang nuôi gà, vịt với quy mô hơn 200 con.

Không chỉ gia đình chị Hương mà nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn tỉnh đã chuyển hướng từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia cầm, động vật ăn cỏ và thủy sản. Tận dụng chuồng trại nuôi lợn để trống sau dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi khử trùng và chuyển sang nuôi gia cầm. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều hộ chăn nuôi gia cầm theo hướng trang trại với quy mô khá lớn, như: Ông Ðinh Văn Thọ (đội 4b, xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên) nuôi gà đẻ quy mô 4.000 con; ông Ðỗ Ðức Sử (đội 4a, xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên) nuôi gà đẻ, quy mô 3.000 con; bà Phạm Thị Toán (bản Co Cáng, phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) nuôi gà thương phẩm lấy thịt, quy mô 2.500 con...

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Trưởng phòng phụ trách Chăn nuôi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Dịch bệnh lây lan trên đàn lợn đã gây tổn thất về kinh tế, đời sống chăn nuôi của không ít hộ dân. Ðầu tháng 7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản về việc tăng cường chỉ đạo phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm trên địa bàn. Sở đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, chuyển hướng chăn nuôi, trong đó phát triển gia cầm theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trên địa bàn. Ðồng thời xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất theo đối tượng, vật nuôi được chọn phát huy các giống bản địa có ưu thế, chất lượng theo định hướng tái cơ cấu nhằm tạo ra sự phát triển bền vững và gia tăng giá trị. Ðến nay, toàn tỉnh có trên 4 triệu con gia cầm, chủ yếu tập trung tại các huyện: Ðiện Biên (hơn 1,7 triệu con), Tuần Giáo (trên 860.000 con), Mường Ảng (hơn 250.000 con), Tủa Chùa (238.000 con).

Hiện nay, thị trường Ðiện Biên vẫn đang phải nhập 25% tổng số gia cầm để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi, tiêu thụ của người dân, chủ yếu là từ tỉnh Vĩnh Phúc. Mặc dù chăn nuôi gia cầm đang là xu hướng có nhiều tiềm năng, lợi thế song vẫn đang đối mặt với nhiều hạn chế, khó khăn như: Chưa có chính sách hỗ trợ chuyển hướng cho người dân sang chăn nuôi gia cầm; giá con giống, thức ăn cao so với nhiều tỉnh, thành do phải vận chuyển xa; giá gia cầm thành phẩm trên thị trường còn thấp do còn phải cạnh tranh với gia cầm được nhập về... Dù việc chuyển hướng chăn nuôi và xác định vật nuôi phù hợp là một trong những cách làm đúng, song để phát triển đàn gia cầm theo hướng ổn định, các hộ nông dân cần nắm bắt thị trường, kết nối tìm đầu ra sản phẩm ổn định và thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn, chăn nuôi sinh học, phòng trừ dịch bệnh hiệu quả.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top