Cần tăng cường hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp

08:40 - Thứ Hai, 14/10/2019 Lượt xem: 11611 In bài viết

ĐBP - Nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, thời gian qua huyện Ðiện Biên đã vận động thành lập mới và chuyển đổi hoạt động của các HTX nông nghiệp truyền thống, xây dựng các mô hình sản xuất nông sản chất lượng cao, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất. Khi tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, doanh nghiệp được hỗ trợ 70 - 100% về giống, vật tư thiết yếu trong tối đa 3 vụ hoặc chu kỳ sản xuất; hỗ trợ tối đa 50% kinh phí làm nhà xưởng, mua máy móc, trang thiết bị sơ chế, vận chuyển, bảo quản, chế biến các sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước; hỗ trợ 100% kinh phí công tác đo đạc, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính; cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân có diện tích dồn điền, đổi thửa tạo vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ tiêu thụ, xúc tiến thương mại… Nhờ các chính sách hỗ trợ này, trên địa bàn huyện Ðiện Biên đã xây dựng được một số sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tiêu thụ ổn định như: Sản phẩm gạo Tâm Sáng của HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân với sản lượng từ 500 - 700 tấn/năm; chuỗi gạo Bắc thơm số 7; chuỗi cung ứng rau sạch xã Pom Lót, Noong Luống; mô hình liên kết nuôi cá rô phi đơn tính ở Pá Khoang, Thanh Hưng...

HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên hỗ trợ nhân công, máy gặt và xe chở thóc về tận nhà cho người dân khi thu hoạch.

Ông Quản Bá Tới, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên cho biết: Tham gia phát triển sản xuất gạo theo chuỗi liên kết, HTX được hỗ trợ về kỹ thuật từ 3 cơ quan chuyên môn của huyện; được hỗ trợ về nhân sự theo đề án nâng cao năng lực của HTX và kinh phí đầu tư thiết bị máy móc phục vụ chế biến nông sản… Những chính sách hỗ trợ thời gian qua phù hợp với mục đích hoạt động của HTX, mang lại những hiệu quả tích cực.

Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính trên hồ Hồng Khếnh, xã Thanh Hưng của HTX Hải Hà hoạt động từ năm 2014 với 6 hộ liên kết ban đầu. Ðến nay mô hình liên kết của HTX đã phát triển lên hơn 20 hộ tham gia với hơn 40 lồng nuôi các loại cá: Diêu hồng, trắm, rô phi… Ông Phạm Khang Mừng, Giám đốc HTX cho biết: Thời gian đầu, cá thương phẩm của HTX chủ yếu tiêu thụ ở chợ truyền thống hoặc bán cho tư thương chứ chưa có hợp đồng tiêu thụ; lao động vất vả, giá bán không cao, thành viên trong HTX cũng nản lòng. Sau khi tìm hiểu và nhận thấy hiệu quả khi tham gia liên kết, trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của địa phương, đồng thời có sự hỗ trợ về giống, thức ăn, kỹ thuật, chính sách của chính quyền và cơ quan chuyên môn... HTX đã tổ chức lại sản xuất, tập huấn, đào tạo cho các thành viên. Ðến nay, các sản phẩm của HTX đều được sản xuất theo đúng quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau khi tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, cái được lớn nhất là đã giúp nông dân định hướng sản xuất theo kế hoạch, bám sát nhu cầu thị trường nên thu nhập tăng cao. Việc tham gia chuỗi liên kết giúp nông dân (người trực tiếp sản xuất), nhà phân phối kiểm soát được chất lượng; sự an toàn của sản phẩm; ổn định giá và sản lượng. Từ đó nâng cao uy tín, mở rộng thị trường.

Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực song việc liên kết sản xuất trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, như: Chưa tạo được chuỗi giá trị kinh tế của sản phẩm bền vững; mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ; sản phẩm chưa tiêu thụ được nhiều. Ông Trần Văn Hòa, Phó phòng Quản lý kinh tế nông thôn (Chi cục phát triển nông thôn) cho biết: Ðể tiếp tục nhân rộng, phát triển các chuỗi liên kết một cách bền vững là một thách thức không nhỏ. Bởi nhận thức của nông dân trong liên kết chuỗi giá trị chưa cao, quy mô sản xuất nhỏ gây khó khăn cho việc đưa cơ giới vào sản xuất. Nông dân quen tập quán canh tác theo kinh nghiệm, chưa chú trọng áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp mới, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, do nội lực hạn chế nên số HTX có liên kết theo chuỗi giá trị còn ít. Ðể tạo liên kết bền vững, trước hết chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của chuỗi giá trị trong phát triển sản xuất. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý HTX đủ mạnh về năng lực và tâm huyết để làm tốt vai trò tập hợp nông dân, đại diện nông dân liên kết với doanh nghiệp. Tăng cường hơn nữa các chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.       

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top