Hỗ trợ người chăn nuôi bớt khó khăn

08:55 - Thứ Sáu, 18/10/2019 Lượt xem: 13471 In bài viết

ĐBP - Ðể hỗ trợ người nuôi lợn bớt khó khăn và có thể sớm tái đàn, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 793/QÐ-TTg về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để các tỉnh, thành phố căn cứ triển khai.

Cán bộ Trạm Thú y TP. Ðiện Biên Phủ tiêu hủy lợn bị dịch tả châu Phi tại bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. Ðến ngày 13/10/2019, toàn tỉnh đã có 5.329 con lợn nái; 17.049 lợn thịt, lợn con bị tiêu hủy bởi dịch tả lợn châu Phi, tổng sản lượng tiêu hủy gần 988 tấn. Theo chính sách Nhà nước hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi với mức cụ thể sau: Ðối với lợn con, lợn thịt các loại, Nhà nước hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi. Ðối với lợn nái, lợn đực đang khai thác được hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi. Tính theo mức hỗ trợ này, số tiền hỗ trợ toàn tỉnh khoảng trên 27 tỷ đồng. Sau khi có quyết định ban hành mức hỗ trợ, các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai các bước công tác hỗ trợ hộ chăn nuôi bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi.

Với kinh nghiệm 14 năm chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, đến năm nay gia đình ông Nguyễn Thanh Toàn, bản Na Púng, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) bị thiệt hại lớn bởi dịch tả lợn châu Phi khi buộc phải tiêu hủy trên 4 tấn lợn hơi. Ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết: Sau đợt dịch lợn tai xanh năm 2012, đến nay đây là đợt dịch nguy hiểm, lây lan nhanh trên phạm vi rộng và gây thiệt hại lớn nhất. Mặc dù tôi đã thực hiện các biện pháp phòng bệnh, cách ly, tăng chế độ dinh dưỡng cho đàn lợn nhưng vẫn không thể tránh được thiệt hại, buộc phải tiêu hủy cả đàn. Tổng thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Ngày 20/8 vừa qua, UBND TP. Ðiện Biên Phủ đã tổ chức hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn phường Thanh Trường. Trước mắt gia đình tôi được hỗ trợ 39 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ được thành phố tiếp tục hỗ trợ khi có nguồn từ tỉnh, Trung ương cấp về. Sự hỗ trợ của Nhà nước đã phần nào giúp người chăn nuôi vơi bớt khó khăn.

Gia đình ông Ðặng Công Tân, bản Huổi Phạ, phường Him Lam có tổng đàn lợn hơn 400 con, trọng lượng khoảng 16 tấn phải tiêu hủy do bị nhiễm dịch bệnh, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Tại thời điểm này, ông Tân đã dọn dẹp vệ sinh chuồng trại nhưng chưa thể tái đàn vì UBND TP. Ðiện Biên Phủ chưa công bố hết dịch. Ông Tân cho biết: Chăn nuôi gần chục năm nay nhưng đây là lần đầu tiên gia đình bị thiệt hại nặng nề như vậy. Trong quá trình chăn nuôi, tôi luôn thực hiện nghiêm ngặt các khâu phòng chống dịch như: Phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại hàng ngày, người ra vào khu vực chuồng nuôi đều phải trang bị đầy đủ bảo hộ, chuồng nuôi ở 1 khu riêng biệt... nhưng đàn lợn của gia đình vẫn bị nhiễm bệnh chết hàng loạt. Thiệt hại kinh tế quá lớn. Vừa qua, UBND TP. Ðiện Biên Phủ đã hỗ trợ gia đình số tiền 150 triệu đồng (ước đạt 20% tổng số tiền được hỗ trợ theo quy định của Nhà nước).

TP. Ðiện Biên Phủ là địa bàn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi sau nhưng tốc độ lây nhiễm và thiệt hại lớn so với các địa bàn khác trong tỉnh. Tính đến ngày 16/9/2019, tổng đàn lợn bị lây nhiễm và buộc tiêu hủy là 2.155 con, tổng trọng lượng gần 100 tấn. Thực hiện Quyết định số 793/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức kinh phí hỗ trợ trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, thành phố đã ban hành Quyết định số 587/QÐ-UBND ngày 25/9/2019 về phân bổ kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, tổng kinh phí hỗ trợ là 778 triệu đồng. Ông Hoàng Văn Thiêm, Trưởng phòng Kinh tế, TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Phòng đã phối hợp với UBND các phường, xã trên địa bàn tổ chức 3 đợt chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi lợn, trong đó: Ðợt 1 hỗ trợ 84 hộ (các hộ bị thiệt hại từ ngày 16/3 - 31/5); đợt 2 hỗ trợ 25 hộ (bị thiệt hại từ 1/6 - 26/6, đợt 3 hỗ trợ 250 hộ (bị thiệt hại từ 27/6 - 30/9). Số tiền chi trả qua 3 đợt mới đạt 15 - 20% tổng thiệt hại của các hộ chăn nuôi. Số tiền còn lại, UBND TP. Ðiện Biên Phủ sẽ tiếp tục chi trả sau khi UBND tỉnh cấp ngân sách. Thời điểm hiện nay, UBND TP. Ðiện Biên Phủ chưa công bố hết dịch nên các hộ chăn nuôi chưa thể tổ chức tái đàn lợn. Trong thời gian này, UBND thành phố khuyến khích người dân chuyển hướng chăn nuôi các loại gia cầm, gia súc khác để ổn định thu nhập. Ðể thúc đẩy người dân chuyển hướng chăn nuôi, tháng 9 vừa qua, Phòng Kinh tế đã triển khai thí điểm Dự án Liên kết chăn nuôi và tiêu thụ vịt bầu an toàn sinh học tại 2 xã: Thanh Minh và Tà Lèng với 99 hộ tham gia; tổng số vịt giống được hỗ trợ là 4.758 con.

Còn tại huyện Tuần Giáo đến nay đã hỗ trợ 360 hộ có lợn buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi với tổng kinh phí hỗ trợ 1,82 tỷ đồng. Các huyện, thị xã khác đã và đang triển khai hỗ trợ khoảng 20% thiệt hại cho các hộ có lợn bị chết, tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top