Nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam

10:45 - Thứ Hai, 21/10/2019 Lượt xem: 9988 In bài viết

Từ năm 2018, Việt Nam xuất khẩu (XK) được 6,15 triệu tấn gạo, đạt giá trị kim ngạch 3,15 tỷ USD, tăng chỉ 5,7% về số lượng nhưng tăng đến 19,6% về giá trị so với năm 2017. Điều này cho thấy, cơ cấu loại gạo XK có nhiều thay đổi đáng kể so với nhiều năm trước đây.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cơ cấu chủng loại XK gạo của Việt Nam trong năm 2018 có sự thay đổi đáng kể. Loại gạo trắng giảm xuống còn 51% tổng giá trị gạo XK nhưng gạo Jasmine và gạo thơm các loại đã tăng lên đến 32%. Gạo dẻo các loại chiếm 12% và gạo hạt tròn (Japonica) chiếm khoảng 5%. Còn các loại gạo chất lượng thấp chỉ chiếm 2%.

Theo tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch này, Việt Nam đã có định hướng giảm dần những hợp đồng XK với khối lượng lớn nhưng giá trị thấp. Đồng thời, tăng dần hợp đồng thương mại với khối lượng nhỏ nhưng giá trị cao hơn nhiều. Mục đích để ngành sản xuất lúa gạo giảm dần sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia và phát triển mạnh sang thị trường khó tính nhưng có giá trị cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, Singapore.

Hiện nay, giá trị XK gạo của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước lân cận. Các giống lúa thơm, đặc sản chủ lực của Việt Nam cho XK tập trung ở nhóm giống Jasmine 85, tuy nhiên chất lượng gạo không ổn định do chất lượng nguồn giống và đặc điểm mùa vụ nên khó có khả năng cạnh tranh với các giống lúa mùa thơm, đặc sản của Thái Lan hay Campuchia.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top