Ðưa hàng Việt lên vùng cao, biên giới

08:39 - Thứ Sáu, 25/10/2019 Lượt xem: 11965 In bài viết

ĐBP - Ðưa hàng Việt đến các vùng, địa phương không có nhiều điều kiện về hệ thống phân phối để người dân tiếp cận hàng hóa là một trong những hoạt động trọng tâm của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động). Thực hiện Cuộc vận động, những chuyến hàng Việt đưa về khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, nhận được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân.

Gian hàng của tỉnh Luông Pha Bang tại phiên chợ thương mại biên giới xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) năm 2019 thu hút đông đảo người dân tham quan, mua sắm.

Cuộc vận động đã giúp người tiêu dùng nhận thức đúng về sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ trong nước, trong tỉnh; từng bước làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân, xây dựng văn hóa tiêu dùng “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng 2 điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; quản lý chặt chẽ nội dung và chất lượng các chương trình khuyến mại đối với các sản phẩm, hàng hóa Việt trên địa bàn. Các cơ quan chức năng đã tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia 96 cuộc hội chợ, triển lãm, trong đó có 2 hội chợ thương mại cấp vùng Tây Bắc thu hút 7.927 lượt doanh nghiệp tham gia với tổng số 11.612 gian hàng, doanh thu bán hàng đạt 194,63 tỷ đồng. Ngành Công Thương đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức 40 cuộc đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa các huyện: Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo với 322 lượt doanh nghiệp tham gia 673 gian hàng, thu hút khoảng 7.000 lượt người dân tham quan mua sắm, tổng doanh thu đạt trên 25,6 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí hỗ trợ quốc gia và địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được kết nối, hỗ trợ tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, giới thiệu hàng hóa tại các tỉnh: Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Lai Châu và cả ở nước ngoài như: Luông Pha Bang, Phoong Sa Ly, U Ðôm Xay (CHDCND Lào); tạo điều kiện cho các hợp tác xã trong tỉnh mở rộng giao thương, trao đổi mua bán hàng hóa với các vùng miền khác nhau trên cả nước.

Thực hiện chương trình hoạt động năm 2019, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh đã tổ chức Phiên chợ thương mại biên giới xã Mường Nhà, huyện Ðiện Biên. Bà Nguyễn Thị Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Trong 5 ngày phiên chợ đã thu hút khoảng 6.000 lượt người dân khu vực biên giới hai nước Việt - Lào đến tham quan, giao lưu và mua bán hàng hóa. Doanh thu bán hàng tại phiên chợ của các thương nhân ước đạt 2 tỷ đồng. Việc tổ chức thành công phiên chợ là bước đệm cho việc hình thành chợ biên giới theo quy hoạch mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến thương mại Ðiện Biên tiếp tục tổ chức phiên chợ hàng Việt tại các huyện Ðiện Biên Ðông và Mường Nhé.

Ông Lò Lâm Sung, Chủ tịch UBND xã Mường Nhà cho biết: Ðây là lần đầu tiên xã biên giới Mường Nhà có một phiên chợ thương mại, người dân rất phấn khởi, háo hức. Hàng hóa chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu, phong phú chủng loại để nhân dân chọn lựa. Từ cây kim, cuộn chỉ phục vụ các bà, các mẹ khâu vá quần áo đến máy phay, máy thái cỏ... Với không ít bà con dân tộc thiểu số xã Mường Nhà, phiên chợ này là dịp hiếm hoi được xem, ngắm đủ loại hàng hóa ngay tại trung tâm xã mà không phải đi gần 80km ra chợ huyện. Nhiều người cao tuổi lần đầu được đi hội chợ còn không muốn về. Có cụ ở tận bản Ban cách trung tâm xã hơn 20km, đi chơi hội chợ ba ngày nhưng chưa về, bảo là nhìn cái gì cũng đẹp, cái gì cũng thích, thích nhất là được nhìn nhiều hàng! Phiên chợ đáp ứng nhu cầu mua sắm của đông đảo người dân khu vực biên giới, là điểm mua sắm tin cậy về giá cả, chất lượng các sản phẩm hàng hóa.

Chị Vàng Thị Sua, bản Hồi Hương, xã Mường Nhà chia sẻ: Phiên chợ tổ chức tại xã vừa rồi là phiên chợ to nhất tôi được đi mua sắm. Tôi rất vui vì không phải đi ra chợ huyện mà vẫn chọn được cho gia đình một số sản phẩm thiết yếu hàng Việt Nam với giá cả hợp lý.

Thông qua các phiên chợ, các chương trình đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa các doanh nghiệp có cơ hội phát triển kênh phân phối hàng hóa tạo mối liên kết giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - bán lẻ; giúp người tiêu dùng vùng cao, biên giới được tiếp cận, thụ hưởng sản phẩm hàng Việt có chất lượng.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top