Vướng “đầu ra” cho cây sa nhân

09:06 - Thứ Năm, 31/10/2019 Lượt xem: 12991 In bài viết

ĐBP - Là huyện vùng cao biên giới, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, huyện Mường Nhé đã được hỗ trợ, trồng thí điểm cây sa nhân trên địa bàn 6/11 xã. Hiện nay, sa nhân đang bước vào mùa thu hoạch, thế nhưng việc giúp nhân dân tìm “đầu ra” ổn định cho cây sa nhân, để vươn lên thoát nghèo vẫn đang là “bài toán” khó đối với cấp ủy, chính quyền huyện.

Người dân xã Sín Thầu đào hố trồng cây sa nhân.

Ðược huyện Mường Nhé kỳ vọng là cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo, khởi nguồn từ năm 2015, thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND huyện Mường Nhé đã phân bổ nguồn vốn, hỗ trợ người dân 6/11 xã trồng thí điểm mô hình cây sa nhân với tổng diện tích 107,4ha tại các xã: Sín Thầu (49ha), Chung Chải (8,4ha), Nậm Vì (4,49ha), Pá Mỳ (12,15ha)... Cây sa nhân dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch và rễ cây lan tới đâu thì diện tích trồng sa nhân được mở rộng tới đó. Ngoài hiệu quả kinh tế, cây sa nhân còn góp phần hạn chế tình trạng cháy rừng vì cây chứa nhiều nước. Việc tận dụng trồng xen giữa các loại cây hoặc trồng dưới tán rừng còn giải quyết được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. Ðến thời điểm này, một số diện tích sa nhân trồng đã cho thu hoạch; nhưng trái với kỳ vọng, sa nhân lại chưa tìm được “đầu ra”. Ðường sá xa xôi, đầu ra chủ yếu phụ thuộc vào tiểu thương đang kinh doanh tại huyện mua chuyển về xuôi tiêu thụ; không có giá thành ổn định, không có cơ quan nào kiểm soát… nên người dân bị thương lái ép giá, mua sa nhân với giá rẻ.

Ông Pờ Dần Sinh, bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu) trồng sa nhân xanh từ năm 2013 với tổng diện tích gần 2ha. Năm 2017 gia đình ông trồng gần 1ha sa nhân tím; đến nay, một số diện tích đã cho thu hoạch, nhưng xuất bán với giá thành thấp, không ổn định. Ông Sinh chia sẻ: “Năm 2018, gia đình tôi thu hoạch gần 1 tấn sa nhân tươi, nhưng đầu ra quá bấp bênh, phần lớn chờ các thương lái trong huyện đến mua, giá rất thấp (tươi 80 nghìn đồng/1kg; khô (xanh) 400 - 500 nghìn đồng/kg; sa nhân khô (tím) 600 - 700 nghìn đồng/kg...) nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Dù biết bị “ép” giá nhưng bà con chúng tôi cũng đành chịu, vì những thứ này không bán cho thương lái thì mình chẳng biết bán cho ai”. 

Không thể phủ nhận, cây sa nhân đã và đang mở hướng thoát nghèo, mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con, làm thay đổi tích cực cuộc sống của nhân dân vùng cao. Tuy nhiên, hiện tại sa nhân chủ yếu được bán cho tiểu thương trong huyện và thương lái Trung Quốc; việc kết nối thị trường trong nước với các đơn vị, doanh nghiệp thu mua vẫn chưa được phổ biến. Ðầu ra chưa đảm bảo sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc phát triển bền vững loại cây trồng này.

Thực tế tại Mường Nhé, cấp ủy, chính quyền nhiều xã mới chỉ dừng lại ở khâu hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng chứ chưa lo được “đầu ra” và bảo vệ quyền lợi của bà con, dẫn đến tình trạng sản phẩm của người dân làm ra thương lái thường xuyên ép giá. Ðể tìm đầu ra cho cây sa nhân, đảm bảo lợi ích lâu dài và bền vững cho người dân; cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát và chăm sóc tốt diện tích sa nhân hiện có. Ðồng thời, việc quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh sa nhân phải được thực hiện một cách nghiêm túc; tránh tình trạng người dân phát triển một cách tự phát, phá vỡ quy hoạch. Bởi việc tự ý mở rộng diện tích sa nhân không chỉ làm giảm giá trị quả, lãng phí đầu tư mà còn là nguyên nhân của tình trạng “được mùa mất giá”. Bên cạnh đó, thời gian tới, Mường Nhé cũng chú trọng xúc tiến thương mại mời gọi doanh nghiệp, nhà sản xuất đầu tư vào lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây sa nhân...

Với hướng đi mới trong phát triển cây sa nhân, đặc biệt là đề ra những giải pháp hữu hiệu để tìm lời giải “đầu ra” cho bài toán cây sa nhân của cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé... Hy vọng rằng, cây sa nhân sẽ trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiểu quả kinh tế cao; góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nơi đây.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top