Công tác khuyến công trong phát triển công nghiệp nông thôn

09:13 - Thứ Tư, 13/11/2019 Lượt xem: 11927 In bài viết

ĐBP - Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ta chưa phát triển. Hiện nay các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ít, không tập trung, quy mô sản xuất nhỏ và siêu nhỏ, thiếu vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ hạn chế, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu phục vụ nhu cầu địa phương; khu cụm công nghiệp và các làng nghề chưa hình thành.

Công nhân Công ty Cổ phần kiến trúc và nội thất Rubik (TP. Ðiện Biên Phủ) vận hành máy dán can tự động được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ với kinh phí 200 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết: Tỉnh đã xác định khuyến công là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển công nghiệp nông thôn. Thực hiện Quyết định 136/2007/QÐ-TTg ngày 20/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia, công tác khuyến công tỉnh ta đã được đẩy mạnh, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt vùng nông thôn miền núi. Khắc phục mọi khó khăn, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động khuyến công, hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn của tỉnh phát triển. Giai đoạn 2015 - 2019, Trung tâm khuyến công tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 32 đề án với tổng kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ cho 18 đề án với kinh phí trên 3,5 tỷ đồng, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 14 đề án với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 370 lao động địa phương.

Trước đây, các sản phẩm như: Gạch lát nền, lát sân; tôn sóng, tôn 3 lớp; giấy ăn, giấy vệ sinh, tỉnh ta đều phải nhập từ các tỉnh, thành khác thì đến nay đã sản xuất tại chỗ đáp ứng nhu cầu người dân địa phương. Ngoài ra còn cung cấp cho thị trường các tỉnh Bắc Lào. Những mô hình thành công là: Ðề án hỗ trợ máy móc tiên tiến trong chế biến cà phê (máy rang cà phê) cho Công ty TNHH Hải An (huyện Mường Ảng) với kinh phí 250 triệu đồng; hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất gạch Terrazzo lát vỉa hè và lát sân không nung cho Công ty TNHH số 32 với kinh phí 200 triệu đồng; hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất tôn 3 lớp cho Doanh nghiệp Tư nhân và thương mại Nhu Ngoan với kinh phí 200 triệu đồng; hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất giấy ăn và giấy vệ sinh cao cấp cho hộ kinh doanh Nguyễn Thị Dụng (phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ) với kinh phí 200 triệu đồng...

Công tác khuyến công địa phương đã góp phần tích cực thúc đẩy ngành Công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển trong thời gian qua. Tuy nhiên hiện nay công tác khuyến công còn gặp khó khăn về nguồn vốn, trong khi đó các cơ sở công nghiệp nông thôn lại nằm rải rác ở các huyện với mô hình nhỏ lẻ, tiềm lực tài chính hạn chế nên khó chuyển đổi và ứng dụng công nghệ vào sản xuất... Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh thì việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên cho các chương trình, dự án phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm thuộc chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn. Ưu tiên các chương trình triển khai tại các huyện nghèo, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số; các xã trong kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ðặc biệt là một số ngành sẽ được đặc biệt ưu tiên hỗ trợ như: Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp nông thôn; công nghiệp hỗ trợ, sản xuất các sản phẩm có thị trường xuất khẩu, sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ...

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top