Khuyến khích sản xuất, sử dụng vật liệu không nung

08:31 - Thứ Sáu, 15/11/2019 Lượt xem: 11607 In bài viết

ĐBP - Với nhiều ưu điểm như: Thân thiện môi trường, đảm bảo chất lượng công trình, cường độ chịu lực tốt, tiết kiệm chi phí… sử dụng vật liệu không nung trong các công trình xây dựng đang là xu thế chính trong xây dựng. Nhằm tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung tiến tới loại bỏ các lò gạch thủ công, UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 81%. Ðến nay, toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, đồng bộ sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu, với tổng công suất thiết kế trên 100 triệu viên/năm; tập trung trên địa bàn các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, Tủa Chùa. Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng không nung này được đầu tư theo quy hoạch của tỉnh, sản phẩm gạch đảm bảo về quy cách, chất lượng theo quy định.

Sản xuất gạch lát nền, lát vỉa hè không nung tại Công ty TNHH số 32. Ảnh: Mai Phương

Là doanh nghiệp đầu tiên đăng ký, đầu tư sản xuất gạch lát nền, lát vỉa hè không nung, sản phẩm của Công ty TNHH số 32 (phường Thanh Trường, TP. Ðiện Biên Phủ) bước đầu đã được thị trường Ðiện Biên và Lai Châu đón nhận. Ông Trần Xuân Phong, Giám đốc Công ty TNHH 32 cho biết: Năm 2017, được sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia, Công ty đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến sản xuất gạch Terrazzo lát vỉa hè và lát sân không nung. Ðây là dây chuyền sản xuất tự động hóa, giúp doanh nghiệp nâng cao tính chủ động trong sản xuất, tăng năng suất, giảm chi phí, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng… Nguyên liệu chính để sản xuất gạch là mạt đá, xi măng và bột màu. Trong đó, đá bề mặt được mua từ tỉnh Thanh Hóa, bột màu được nhập khẩu từ nước ngoài. Mỗi viên gạch lát vỉa hè không nung ra đời có đặc tính vượt trội so với các loại gạch khác ở khả năng độ bền, chống thấm, kích cỡ chuẩn xác... góp phần nâng cao hiệu quả kiến trúc, giảm thiểu kết cấu thép, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí. Giá thành sản phẩm khoảng 90 nghìn đồng/m2 (thấp hơn nhiều so với các loại gạch lát ngoài thị trường).

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2016, nhà máy gạch không nung của Công ty TNHH Ðầu tư thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh (xã Na Ư, huyện Ðiện Biên) sản xuất 3 loại gạch, gồm: Gạch đặc, gạch 2 lỗ có kích thước tiêu chuẩn (220 x 65 x 105mm) và gạch 2 lỗ có kích thước lớn (220 x 100 x 150mm); giá thành chưa tính cước vận chuyển từ 1.200 đồng/viên trở lên…

Sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung có nhiều ưu điểm hơn gạch đất sét nung. Trước hết là có thể sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tận dụng được chất thải rắn và sản phẩm công nghiệp như: Mạt đá, bột đá, xi măng... Do đó, nguyên liệu đầu vào phong phú hơn gạch đất nung. Sản phẩm có dạng khối do công nghệ ép rung tạo hình và đóng rắn tự nhiên, cường độ kháng nén cao, bề mặt nhẵn nên cần ít vữa xây, trát; tiết kiệm chi phí, giảm giá thành xây dựng, tuổi thọ công trình cao, chịu đựng tốt với các điều kiện thời tiết.

Trên lộ trình xóa bỏ lò thủ công và vật liệu nung, từ năm 2016 tất cả các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước tại các huyện, thị xã phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung từ 50% trở lên. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy trên 90% các công trình xây dựng sử dụng nguồn ngân sách đều sử dụng gạch không nung như: Cục Thuế  tỉnh, Bệnh viện Ða khoa huyện Mường Ảng, Trường Trung học cơ sở xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng)… Không chỉ các công trình sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước mà các đơn vị ngành dọc, doanh nghiệp như: Cục Hải quan, Ngân hàng Thương mại Cổ phần công thương chi nhánh Ðiện Biên cũng sử dụng gạch không nung để xây dựng trụ sở làm việc. Còn đối với người dân, trước đây chỉ sử dụng gạch không nung trong các công trình phụ trợ như: Xây tường rào, nhà xưởng, công trình phụ thì nay nhiều hộ gia đình đã sử dụng gạch không nung để xây dựng nhà ở.

Trong thời gian tới, để đẩy nhanh việc sản xuất, tiêu thụ gạch không nung, ngoài các chính sách khuyến khích sản xuất, các ngành chức năng cần quyết liệt hơn trong việc yêu cầu sử dụng loại vật liệu này. Ðồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về việc sử dụng vật liệu xây không nung không chỉ đối với các công trình sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước mà cả các công trình xây dựng dân dụng khác.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top