Thận trọng tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

08:35 - Thứ Sáu, 15/11/2019 Lượt xem: 11254 In bài viết

ĐBP - Huyện Ðiện Biên có 2.394 hộ tại 24 xã bị ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi với tổng số 11.000 con lợn phải tiêu hủy.

Cán bộ thú y xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên) hướng dẫn hộ chăn nuôi kỹ thuật phun phòng, vệ sinh chuồng trại sau dịch tả lợn châu Phi.

Xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên) từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi đến nay đã có 19 thôn, bản với 90 hộ bị thiệt hại với tổng số lợn bị tiêu hủy là 551 con, trọng lượng hơn 24 tấn. Anh Phạm Mạnh Hà, cán bộ thú y xã Noong Hẹt cho biết: Sau dịch, các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy tích cực vệ sinh chuồng trại để chuẩn bị thật tốt điều kiện cho việc tái đàn. Một số hộ dân sau thời gian dài không thấy phát sinh dịch trên địa bàn đã chủ động tái đàn với sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về kỹ thuật chăn nuôi an toàn, đặc biệt chú trọng khâu chọn giống, vệ sinh chuồng trại…

Hộ ông Trần Ngọc Chờ, đội 25, xã Noong Hẹt bị tiêu hủy hơn 1,3 tấn lợn. Là một trong những hộ tái đàn lợn đầu tiên trên địa bàn xã, đến nay đàn lợn của gia đình ông sinh trưởng tốt. Ông Chờ cho biết: Sau gần 3 tháng, theo dõi thấy trên địa bàn xã không xuất hiện thêm hộ nào có dịch nên tôi đã chủ động cải tạo chuồng trại và tái đàn lợn với 20 con. Nhờ thực hiện nghiêm công tác phun tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại, kỹ lưỡng trong khâu chọn con giống ở những địa chỉ tin cậy nên thời gian qua một số nơi tái phát dịch bệnh nhưng đàn lợn của gia đình tôi không bị ảnh hưởng. Thời gian tới tôi sẽ mở rộng quy mô thêm 30 con lợn nữa.

Khác với trường hợp gia đình ông Chờ, nhiều người chăn nuôi hiện nay đang đứng trước nỗi lo về tái đàn, khôi phục sản xuất. Ðối với gia đình ông Phạm Văn Toàn, đội 4, xã Thanh Yên thì nguồn thu nhập chính là từ chăn nuôi lợn. Ông Toàn cho biết: Vốn chăn nuôi chúng tôi vay ngân hàng, không may có dịch tả lợn châu Phi, gia đình tôi và nhiều hộ khác gần như trắng tay, tiền nợ ngân hàng khó có khả năng hoàn trả, việc khôi phục sản xuất càng gặp khó khăn. Hiện nay giá thịt lợn đang tăng cao, là người chăn nuôi tôi rất sốt ruột, mong sớm tái đàn, nhưng để tái đàn thành công cần phải khử trùng chuồng trại đúng quy trình, đồng thời lựa chọn mua được lợn giống ở những địa chỉ uy tín, tin cậy. Tuy nhiên thấy dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó tìm được nguồn giống đảm bảo nên tôi chưa thể tái đàn lợn.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 53 xã đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh. Từ ngày 10/9 đến nay dịch không phát sinh thêm ở xã mới. Trước tình hình giá lợn tăng cao, mong muốn tái đàn lợn là tâm lý chung của nhiều người chăn nuôi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, mầm bệnh vẫn còn lưu cữu, nguy cơ tái phát ổ dịch mới vẫn có thể xảy ra thì người chăn nuôi cần hết sức cẩn trọng khi tái đàn.

Ông Ðỗ Thái Mỹ, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Thời gian qua, các cấp ngành liên quan đã triển khai quyết liệt công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ðến nay, bệnh dịch đang có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên, các địa phương không nên lơ là, chủ quan mà cần tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi về tình hình dịch bệnh; nhất tại các xã chưa có dịch và các xã đã qua 30 ngày không có dịch bệnh phát sinh. Các hộ chăn nuôi không nên vội vàng tái đàn, tăng đàn lợn vào lúc này vì không có nguồn giống an toàn, chưa đảm bảo về chăn nuôi an toàn sinh học hay việc vận chuyển thực phẩm, thức ăn gia súc giữa các vùng với nhau cũng rất dễ làm cho dịch bệnh lây lan trở lại. Cần thường xuyên vệ sinh, sát trùng, tiêu độc tại các cơ sở, vùng chăn nuôi lợn, các phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi và vệ sinh cá nhân những người chăn nuôi. Người dân có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm hoặc các loại gia súc khác để tránh thiệt hại về kinh tế. Còn nếu người dân quyết định chăn nuôi lợn trở lại, cần lưu ý chỉ sử dụng con giống đảm bảo an toàn ở ngoài vùng dịch; thực hiện nghiêm khâu quản lý vận chuyển lợn giống, yêu cầu phải có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, nơi đến phải có địa chỉ rõ ràng, cụ thể theo quy định của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top