Phát triển thương mại điện tử còn hạn chế

08:47 - Thứ Sáu, 06/12/2019 Lượt xem: 8850 In bài viết

ĐBP - Bà Nguyễn Thị Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: Thực hiện Quyết định số 637/QÐ-UBND ngày 12/5/2016 về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử (TMÐT) tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, Trung tâm Xúc tiến thương mại đã tham mưu Sở Công Thương xây dựng giải pháp xúc tiến thương mại điện tử trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia ứng dụng TMÐT như: Hỗ trợ xây dựng website TMÐT theo quy chuẩn bằng tiếng Anh và tiếng Việt; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào cổng thương mại điện tử quốc gia (ECVN), đăng tải thông tin trên cổng thông tin thị trường xuất nhập khẩu nước ngoài Vietnamexport; tham gia các sàn giao dịch TMÐT.

Ðặc biệt là xây dựng hệ thống phần mềm chuyên dụng gồm: Phần mềm quản lý doanh nghiệp; thiết bị đọc mã vạch; phần mềm bán hàng chuyên dụng, áp dụng chữ ký số; thẻ thanh toán TMÐT tích hợp để tăng cường ứng dụng TMÐT vào sản xuất kinh doanh... Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 15 đề án TMÐT và được cấp trên phê duyệt 13 đề án (trong đó 5 đề án thuộc chương trình phát triển TMÐT quốc gia được Bộ Công thương phê duyệt và 8 đề án thuộc chương trình phát triển TMÐT tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt). Ðể các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hiểu hơn về TMÐT, Trung tâm đã phối hợp tổ chức 3 lớp đào tạo phát triển nguồn nhân lực TMÐT cho lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành; cán bộ quản lý doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh với 170 học viên tham gia. Ðồng thời, lựa  chọn hỗ trợ 10 doanh nghiệp xây dựng website TMÐT với kinh phí 250 triệu đồng.

Hình thức thanh toán vẫn chủ yếu là tiền mặt tại các siêu thị. Trong ảnh: Khách hàng thanh toán tiền mặt tại Siêu Thị Tâm Ðỏ.

Thời gian qua, ngành chuyên môn đã tổ chức rà soát, thống kê tình hình ứng dụng TMÐT của 250 đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chủ yếu về: Các hoạt động phát triển sản phẩm, giải pháp TMÐT với lợi ích của chữ ký số; ứng dụng chuẩn trao đổi điện tử trong kinh doanh, công nghệ bảo mật, phần mềm thanh toán trực tuyến… Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp chỉ ở mức công bố giá bán sản phẩm, dịch vụ, thông tin so sánh sản phẩm, phương thức giao nhận hàng mà phần lớn chức năng thanh toán trực tuyến lại chưa thực hiện được.

Ông Nguyễn Chí Ba, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Hoa Ba cho biết: Chúng tôi đã tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Sở Công thương tổ chức, từ đó biết đến lợi ích và cập nhật kiến thức về TMÐT. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp quan tâm phát triển TMÐT với nhiều hình thức tư vấn, hỗ trợ. Mặc dù vậy, hình thức thanh toán hóa đơn hiện nay tại Siêu thị Hoa Ba chủ yếu vẫn bằng phương thức truyền thống là tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng...

Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên việc đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm còn hạn chế. Trong khi đó, nguồn kinh phí của tỉnh dành cho hoạt động xúc tiến thương mại còn rất hạn chế so với nhu cầu của doanh nghiệp; cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa có mặt bằng để phục vụ cho các hoạt động xúc tiến thương mại nói chung, TMÐT nói riêng. Ðây là hạn chế mà các ngành chức năng cần có giải pháp tích cực để khắc phục trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top