Kéo dài thời gian nuôi để tăng sản lượng thịt lợn

09:28 - Thứ Sáu, 06/12/2019 Lượt xem: 9205 In bài viết

Ngành chăn nuôi nên khuyến cáo người chăn nuôi nên kéo dài thời gian nuôi, đây là giải pháp tăng sản lượng thịt nhanh nhất, vừa có lãi cho người chăn nuôi vừa giúp tăng nguồn cung.

Giá lợn tăng cao do nguồn cung vẫn hạn chế. Ảnh: VGP/ Đỗ Hương

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong tháng 11, giá lợn hơi trong nước biến động tăng do nguồn cung giảm. Thị trường xuất hiện hiện tượng găm hàng làm tăng giá của một số đơn vị kinh doanh buôn bán thịt lợn. 

Ngoài ra, tâm lý lo lắng thiếu nguồn cung nên người chăn nuôi có xu hướng nuôi lợn lên đến 170 - 180 kg/con thay vì 90-110 kg/con như thông thường để chờ tăng giá. Bên cạnh đó, giá lợn còn bị tác động bởi tình trạng thương lái thu gom lợn để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc qua đường mòn, lối mở. 

Trong tháng, tại miền Bắc giá lợn hơi đã tăng 10.000-11.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại Hưng Yên hiện là 76.000 đ/kg, Hà Nội 73.000 đ/kg, Lào Cai ở mức 78.000 đ/kg, Thái Nguyên và Ninh Bình 77.000 đ/kg. Các địa phương còn lại giá 70.000-76.000 đ/kg. 

Trong khi đó, tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng tăng với mức tăng 15.000-16.000 đ/kg, hiện đạt ở mức ổn định trong khoảng 68.000-72.000 đ/kg. Cùng chung xu thế tăng giá, tại miền Nam, giá lợn hơi cũng tăng mạnh từ 13.000-15.000 đ/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại TPHCM và Bình Dương là 71.000 đ/kg. Tại Tiền Giang và Sóc Trăng, giá đạt ở mức 75.000 đ/kg.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo: Giá thịt lợn thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao do nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tăng cao đợt cuối năm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. 

Dịp cuối năm nay, dự báo Việt Nam thiếu 200.000 tấn thị lợn.

Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay: Bộ NN&PTNT đã có nhiều giải pháp như tái đàn ở các doanh nghiệp lớn, trang trại, gia trại, hộ gia đình cam kết đảm bảo an toàn sinh học; nhân rộng nhanh các mô hình an toàn sinh học trong sản xuất; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ăn cỏ; ngăn chặn không cho lợn và sản phẩm lợn bất hợp pháp nhập lậu vào Việt Nam qua biên giới…

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi nên khuyến cáo người chăn nuôi nên kéo dài thời gian nuôi. Trước đây, lợn nuôi 25-26 tuần thì xuất bán, nếu nuôi trên 30 tuần sẽ tăng 20-30% sản lượng thịt. Đây là giải pháp tăng sản lượng thịt nhanh nhất, vừa có lãi cho người chăn nuôi vừa giúp tăng nguồn cung.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các địa phương, nhất là các địa phương biên giới ở phía bắc và cả phía tây nam ngăn chặn việc đưa lợn sang nơi khác, ảnh hưởng đến giá cả thị trường. 

“Đặc biệt, các cơ quan cũng phải chú ý đến việc kiểm soát lợn từ Thái Lan và Campuchia vào Việt Nam, mặc dù chúng ta thiếu nhưng cần lưu ý là 24 quốc gia chúng ta cho phép nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam lại không có 2 quốc gia này. Điều này dễ gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm, có khả năng mang dịch bệnh vào trong nước”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói. 

P.V (Theo baochinhphu)
Bình luận
Back To Top