Trồng rừng phòng hộ ở Mường Nhé

“Bài toán” chưa có lời giải

09:12 - Thứ Năm, 12/12/2019 Lượt xem: 11035 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chủ trương trồng rừng phòng hộ, nhất là để hưởng lợi từ việc trồng rừng, năm 2017 có 23 hộ thuộc 4 bản: Tả Kố Ki, A Pa Chải, Tả Kố Khừ, Pờ Nhù Khò, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) đã trồng 132,49ha rừng. Tuy nhiên, đến nay do nhiều nguyên nhân, tỷ lệ cây chết cao, dẫn tới người dân không được hỗ trợ tiền trồng rừng; thậm chí nhiều hộ đang lao đao vì phải gánh nợ hàng trăm triệu đồng.

Ðoàn liên ngành huyện Mường Nhé nghiệm thu rừng phòng hộ tại xã Sín Thầu.

Vượt con đường với những dốc núi cheo leo và trơn trượt, chúng tôi tìm đến gia đình anh Giàng Sinh Chừ, bản Tả Kố Ki - một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng rừng phòng hộ tại Sín Thầu. Giãi bày với chúng tôi, anh Giàng Sinh Chừ nói: “Ðược cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động; tận dụng vùng đất đồi rộng lớn, gia đình tôi đã gieo gần 10ha cây Muồng Ðen. Ðể có tiền trang trải chi phí trồng rừng, từ số tiền tích góp được gần 100 triệu đồng tôi đã đầu tư mua máy phát cỏ, thuê nhân công, mua dây thép gai... Thời gian đầu, cây sinh trưởng, phát triển tốt; nhưng rồi sau cứ chết dần, chết mòn do thời tiết khắc nghiệt, không chịu được giá lạnh. Sau khi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện tiến hành nghiệm thu, tỷ lệ cây sống chưa đến 20% nên gia đình tôi không được chi trả tiền hỗ trợ. Hiện nay, gia đình tôi cũng không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ”.

Tiếp tục đến với gia đình anh Vù Vù Sinh - hộ nghèo của bản Tả Kố Ki. Trong ngôi nhà đơn sơ, nằm lọt thỏm dưới chân núi, anh Sinh than thở: Chua xót quá! Tôi tưởng trồng rừng sẽ giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập, xóa đói giảm nghèo và có việc làm ổn định. Gia đình đã huy động hết tiền tích góp, vay thêm người thân, bạn bè được hơn 50 triệu đồng để phát thực bì, đào hố, mua dây thép gai... gieo 10ha cây Muồng Ðen. Cũng như các hộ khác, ban đầu cây mọc tốt lắm, nhưng hễ nhiệt độ xuống thấp là cây có hiện tượng khô lá rồi chết dần; đến nay toàn bộ diện tích rừng trồng gia đình tôi gần như không còn. Cuộc sống đã khốn khó “cơm không đủ no, áo không đủ mặc” nay lại phải gánh thêm khoản nợ, không biết đến bao giờ mới có thể trả được. Tôi rất mong cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé tạo điều kiện, có những giải pháp để hỗ trợ chúng tôi ổn định sản xuất và kinh tế. Không chỉ 2 hộ nói trên mà xã Sín Thầu còn nhiều hộ bị thiệt hại nặng nề như: Hộ anh Lý A Thành, Chu Gió Che, Sừng Xuân Hừ...

Ông Bùi Văn Hiếu, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Mường Nhé cho biết: Sau khi có quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng, từ tháng 6/2017 Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với chính quyền xã vận động nhân dân tham gia trồng rừng, tổ chức khảo sát, lập hồ sơ, xây dựng dự toán trồng rừng phòng hộ thuộc Tiểu khu 62, khoảnh 3, khoảnh 6 (xã Sín Thầu) với tổng diện tích 132,49ha. Thời điểm đó, theo chủ trương của Huyện ủy Mường Nhé là thực hiện mô hình trồng thí điểm bằng phương pháp gieo hạt; loại cây trồng là Muồng Ðen. Mặc dù Phòng NN&PTNT đã tham mưu và có ý kiến với lãnh đạo huyện là do thời tiết diễn biến phức tạp, biến đổi cực đoan khó lường của khí hậu, việc trồng rừng bằng phương pháp gieo hạt sẽ ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng và tỷ lệ sống của cây trồng. Ðặc biệt, trồng rừng bằng hạt không có định mức để thiết kế, hỗ trợ. Hơn nữa cây Muồng Ðen không nằm trong danh mục được chi trả tiền hỗ trợ, nhưng Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Nhé ra chủ trương để người dân trồng rừng bằng phương pháp gieo hạt và sẽ xin bổ sung cây Muồng Ðen vào danh mục hỗ trợ.

Ðể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong trồng rừng phòng hộ, Sở NN&PTNT đã cử cán bộ kiểm tra thực địa rừng trồng; phối hợp với huyện Mường Nhé tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung cây Muồng Ðen vào danh mục cây trồng được hỗ trợ; nếu cây sinh trưởng và phát triển tốt sẽ hỗ trợ mức chi phí bằng cây giống. Ðến ngày 23/2/2018 theo Quyết định số 161/QÐ-UBND của UBND tỉnh thì cây Muồng Ðen đã được phê duyệt trong danh mục cây trồng được chi trả tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, từ tháng 12/2017 - 2/2018, thời tiết trên địa bàn huyện Mường Nhé có nhiều diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại kéo dài, cây Muồng Ðen bị chết hàng loạt (trên 80%). Ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu chia sẻ: “Thời điểm ấy, cây Muồng Ðen đang sinh trưởng và phát triển tốt, cây cao từ 10 - 15cm, nhưng do ảnh hưởng của sương muối, cây héo dần, chết mòn; gây thiệt hại nặng nề đến việc trồng rừng của các hộ dân nói riêng, xã Sín Thầu nói chung”.

Ðến tháng 7/2018, huyện tiếp tục phối hợp với đơn vị cung ứng tiếp tục hỗ trợ giống để bà con gieo thêm lần nữa, nhưng cuối năm 2018, Phòng NN&PTNT tiến hành nghiệm thu thì tỷ lệ cây sống trên các lô trồng rừng dao động từ 19% đến 30%, trung bình đạt 21,6% trên toàn bộ diện tích trồng rừng. Theo quy định, tỷ lệ cây sống trên 85% thì thanh toán 100%; từ 50% - dưới 85% nghiệm thu thực tế thanh toán; dưới 50% không nghiệm thu, báo cáo cấp có thẩm quyền. Do đó, Phòng NN&PTNT đã báo cáo UBND huyện, UBND tỉnh tỷ lệ cây sống không đảm bảo tỷ lệ nghiệm thu để thanh toán kinh phí trồng rừng cho các hộ dân.

Cũng theo ông Bùi Văn Hiếu, về vấn đề hỗ trợ bà con khắc phục khó khăn, hiện huyện Mường Nhé chưa có giải pháp nào, do không có định mức hỗ trợ. Trước mắt để giải “bài toán” trồng rừng phòng hộ, Phòng NN&PTNT vận động nhân dân tiếp tục trồng rừng (trồng bằng cây giống) nhưng hiện nhân dân không đồng ý với phương án trên. Anh Chu Khai Sinh, bản A Pa Chải chia sẻ: “Hiện nay, nguồn vốn để trồng rừng của chúng tôi đã cạn kiệt, không còn khả năng để đầu tư trang thiết bị, nhân công tiếp tục trồng rừng. Huyện cần có cơ chế, bố trí nguồn vốn tạm ứng để bà con tiếp tục trồng rừng theo kế hoạch”.

Triển khai trồng rừng phòng hộ là chủ trương lớn của tỉnh nói chung, huyện Mường Nhé nói riêng. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, hoàn thành mục tiêu trồng rừng theo kế hoạch, rất mong các cấp, các ngành huyện Mường Nhé sớm đưa ra những phương án, chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ nhân dân. Từ đó, góp phần giúp nhân dân “an cư lạc nghiệp”; bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top