Cảnh giác với hàng giả, hàng nhái

09:19 - Thứ Hai, 16/12/2019 Lượt xem: 10383 In bài viết

ĐBP - Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường vẫn xảy ra nhất là thời điểm cuối năm, vì thế người tiêu dùng cần thận trọng, tránh tình trạng mua bằng tiền thật nhưng lại được đồ giả, đồ kém chất lượng.

Cán bộ Ðội Quản lý thị trường số 8 kiểm tra chất lượng hàng hóa các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Mường Ảng.

Tại các cửa hàng từ trung tâm thành phố, thị trấn đến các chợ vùng cao trên địa bàn tỉnh, không khó để bắt gặp những sản phẩm mang lô gô của những thương hiệu nổi tiếng như: Nike, Adidas, Chanel, Gucci, Zara... được bày bán với giá bán chỉ vài trăm nghìn đồng, thậm chí vài chục nghìn đồng 1 sản phẩm. Nói như vậy không có nghĩa sản phẩm rẻ tiền là sản phẩm không tốt, mà người tiêu dùng cần thận trọng để biết sản phẩm mình mua là hàng nhái hay hàng thật. Nếu là hàng chính hãng, đã đăng ký thương hiệu thì điều cơ bản nhất là sản phẩm đó phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có xác nhận của cơ quan chức năng. Bởi vì, với những thương hiệu kể trên, nếu là hàng chính hãng sẽ không có giá rẻ. Không chỉ hàng tiêu dùng mà các mặt hàng mỹ phẩm cao cấp khác mang thương hiệu lớn như Lancome, M.A.C, Chanel, CK… cũng dễ dàng tìm thấy ở các sạp, quầy hàng. Ða số người bán đều mời chào, giới thiệu đó là hàng “xịn”, chính hãng, vì thế mà nhiều người vẫn mua phải hàng giả, hàng nhái nhưng phải trả tiền với giá của hàng chính hãng, cao hơn rất nhiều so với giá trị sản phẩm.

Cầm trên tay lọ nước hoa có thương hiệu nổi tiếng của Pháp - Chanel, chị Nguyễn Thị Hồng Thoa, tổ dân phố 4, phường Thanh Trường (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết lọ nước hoa này mua của người quen với giá hơn 4 triệu đồng. “Ðây là phiên bản giới hạn đặc biệt, nếu mua ngoài thị trường thì lọ nước hoa này có giá trên 5 triệu đồng, nhưng do mình mua được hàng “xách tay” (hàng chính hãng được người bán mua trực tiếp từ nước Pháp mang về) nên giá rẻ hơn” - chị Thoa vui vẻ bày tỏ. Tuy nhiên khi chúng tôi cùng với chị Thoa kiểm tra mã số, mã vạch được in trên hộp sản phẩm thì các thông tin đều không rõ ràng; đầu mã số, mã vạch cũng không đúng với quy định của quốc gia sản xuất.

Về nguyên tắc, mỗi quốc gia đều quy định đầu mã số, mã vạch nhất định; ví dụ, đối với Việt Nam thì đầu mã vạch là 893, còn đối với nước Pháp là từ 300 - 379, Philippines là 480... Như trường hợp nước hoa mà chị Nguyễn Thị Hồng Thoa mua không phải là sản phẩm của nước Pháp như chị nghĩ, nhưng tiền mà chị Thoa chi ra để có được sản phẩm không rẻ.

Tại các chợ vùng cao, vùng sâu, những mặt hàng có tên na ná như các hãng nổi tiếng, có uy tín cũng không hề hiếm. Trong một lần công tác về cơ sở, chúng tôi gặp anh Lò Văn En, bản Ðắng, xã Mường Ðăng (huyện Mường Ảng) cầm túi bột giặt. Tôi hỏi anh mua bột giặt của hãng nào thì anh En vui vẻ cho biết là mua bột giặt Omo. Nhưng quan sát kỹ thì chúng tôi phát hiện đó không phải là chữ “Omo” mà là “Omơ”, với hình dáng, mẫu mã sản phẩm giống hệt với bột giặt nổi tiếng Omo. Lúc này anh En mới biết là mình nhầm, tiền mà anh bỏ ra mua thì bằng giá bột giặt Omo, trong khi đó không biết chất lượng sản phẩm “nhái” này thế nào. Những sản phẩm nhái tên như vậy không phải hiếm trên địa bàn huyện Mường Ảng.

Ông Văn Thiện, Ðội trưởng đội Quản lý thị trường số 8 (huyện Mường Ảng) cho biết: Trong năm 2019, đội đã kiểm tra 151 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ nộp ngân sách Nhà nước trên 30 triệu đồng, đồng thời tiến hành tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo chất lượng trị giá khoảng trên 10 triệu đồng. Các sản phẩm giả, nhái hàng thật chủ yếu xuất hiện ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Ðể tránh tình trạng “tiền mất tật mang”, khi mua hàng người dân cần thận trọng, quan sát kỹ. Nếu là hàng thật phải có nhãn mác, ghi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngày sản xuất và hạn sử dụng, không tẩy xóa các thông tin trên sản phẩm và có giá niêm yết cụ thể của nhà sản xuất.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top