Phí dịch vụ môi trường rừng đầu tư phát triển rừng bền vững

08:51 - Thứ Tư, 18/12/2019 Lượt xem: 12700 In bài viết

ĐBP - Mục đích của việc thu phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là để tái đầu tư cho công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của Nhà nước về việc thu phí DVMTR nên các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đúng quy định về nộp phí. Từ nguồn thu này góp phần quan trọng giúp người dân sống bằng nghề rừng phát triển, bảo vệ rừng và có cuộc sống ổn định hơn.

Công ty Cổ phần Cấp nước Ðiện Biên là một trong những cơ sở sản xuất thực hiện đóng phí dịch vụ môi trường rừng đầy đủ, kịp thời. Trong ảnh: Nhân viên Công ty thực hiện kiểm nghiệm mẫu nước sinh hoạt.

Theo quy định của Chính phủ, những doanh nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước lấy tại các sông hồ, nước ngầm để phục vụ cho sản xuất công nghiệp thì phải đóng phí 50 đồng/m3; các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nước sạch phải đóng 52 đồng/m3 và những doanh nghiệp sản xuất điện chịu mức phí 36 đồng/kWh. Những cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và doanh nghiệp nuôi thủy sản mức phí phải đóng là 1% trên tổng doanh thu. Trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành sản xuất điện, sản xuất nước sạch đã đóng phí môi trường khá đầy đủ từ năm 2013 đến nay. Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần Thủy điện Cần Ðơn, Nhà máy Thủy điện Nà Lơi cho biết: Nhà máy Thủy điện Nà Lơi gồm 3 tổ máy, tổng công suất lắp máy 9,3MW, tổng sản lượng điện năng hàng năm cung cấp lên hệ thống lưới điện quốc gia đạt bình quân trên 46 triệu Kwh. Thực hiện chính sách chi trả DVMTR, nhà máy phải nộp phí DVMTR và hàng năm đều đóng tiền phí DVMTR đầy đủ. Công ty sử dụng nguồn nước để sản xuất điện nên việc đóng phí DVMTR để chi trả cho người trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, nơi tạo ra nguồn nước là phù hợp. Số tiền này sẽ tính vào giá thành trong sản xuất điện. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay nhà máy đã nộp hơn 1,25 tỷ đồng tiền phí DVMTR qua tài khoản của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Ðiện Biên.

Công ty Cổ phần Cấp nước Ðiện Biên cung ứng nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn các địa phương trong tỉnh. Thực hiện nghĩa vụ nộp phí DVMTR, tính trong 3 quý (1, 2, 3) năm 2019 Công ty đã nộp trên 186 triệu đồng cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Số tiền phí DVMTR đã nộp sẽ góp phần cùng các nguồn lực khác giúp người dân quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn, giữ gìn nguồn nước, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học - ông Phạm Quang Tuấn, Giám đốc Công ty cho biết.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR nói chung, mục đích, ý nghĩa cũng như trách nhiệm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng nộp phí DVMTR nói riêng đã tạo được sự đồng thuận của phía các doanh nghiệp. Cơ bản các cơ sở sản xuất phải nộp phí DVMTR rừng đã chấp hành quy định và có trách nhiệm trong việc ký hợp đồng ủy thác, kê khai và nộp phí DVMTR. Ðể các đơn vị thực hiện nộp phí DVMTR đúng quy định, cùng với việc đôn đốc, nhắc nhở; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tích cực làm việc với các cơ sở có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp để thương thảo, ký kết hợp đồng chi trả tiền DVMTR. Từ đầu năm đến nay, Quỹ đã thỏa thuận ký kết 1 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với Công ty Cổ phần POWER ELECTRIC (Nhà máy Thủy điện Na Son); ký kết lại các hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR đối với các đơn vị sử dụng DVMTR nội tỉnh, theo quy định của Nghị định 156/2018/NÐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 cơ sở sản xuất nộp phí DVMTR, chủ yếu là các nhà máy thủy điện. Từ đầu năm đến nay Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thu hơn 8,5 triệu đồng từ các cơ sở sản xuất này.

Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh sẽ tiếp tục đàm phán, thương thảo với các cơ sở sản xuất khác có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ cho sản xuất công nghiệp để ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR theo đúng quy định. Phí DVMTR do các cơ sở sản xuất nộp sẽ là nguồn lực tài chính quan trọng góp phần cùng các nguồn lực khác chi trả cho các chủ rừng, cộng đồng dân cư, cá nhân được Nhà nước giao công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng; giúp người dân nâng cao đời sống, góp phần bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top