Cần tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư vào nông nghiệp

08:59 - Thứ Tư, 15/01/2020 Lượt xem: 10080 In bài viết

ĐBP - Theo các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp, có 4 rào cản lớn khiến doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, quy mô còn nhỏ, đó là: Quỹ đất, nguồn vốn, cơ chế chính sách và sự đồng hành của chính quyền địa phương. Thực tế tại tỉnh ta, cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp đã cơ bản đầy đủ; chính quyền các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Hiện nay, tỉnh ta đang vướng 2/4 rào cản chính đó là: Quỹ đất và nguồn vốn để thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Công nhân Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Ðiện Biên chăm sóc vườn rau. Ảnh: Phạm Trung

Tích tụ đất đai luôn là vấn đề lớn của các cấp chính quyền và các doanh nghiệp khi đầu tư một dự án nông nghiệp. Doanh nghiệp cần quỹ đất để triển khai các dự án, nhất là những dự án có quy mô lớn thì càng cần có quỹ đất lớn. Không có quỹ đất nên các dự án nông nghiệp ở tỉnh ta thường có quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ. Các dự án lớn, điển hình là dự án trồng cao su, đến nay đã cho thu hoạch mủ nhưng vấn đề về đất đai vẫn xảy ra nhiều vướng mắc giữa doanh nghiệp và người dân góp đất nên 2 bên vẫn chưa thể thống nhất được cơ chế phân chia lợi nhuận sản phẩm. Gần đây nhất là dự án trồng cây mắc ca, vấn đề tích tụ đất đai cũng gặp khó khăn, phần nào gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Dự án trồng mắc ca kết hợp với trồng rừng, dược liệu và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm tại xã Phu Luông (huyện Ðiện Biên) do Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thương mại và Ðầu tư Phú Thịnh triển khai thực hiện. Quy mô dự án gồm: Trồng 3.508,6ha mắc ca (trên đất không có rừng); trồng dược liệu xen với cây mắc ca; trồng bổ sung làm giàu rừng 1.041,3ha. Sau giai đoạn kiến thiết, dự án sẽ cung cấp các sản phẩm như: Hạt sấy có khía bóc 10.000 tấn/năm; sản phẩm tẩm mật ong, sô cô la 10.000 tấn/năm; tinh bột nghệ sạch 50.000 tấn/năm; viên nang 50.000 tấn/năm. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2022 với tổng mức đầu tư 1.465,2 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã thành lập doanh nghiệp dự án tại địa phương là Công ty TNHH Mắc ca Mường Then Ðiện Biên để triển khai thực hiện. Quá trình triển khai dự án, các bản: Xôm, Na Há, Pá Chả, Hổi Cảnh và C5 đều đồng thuận, riêng đối với bản Lọng Ngua nhà đầu tư phải phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Phu Luông mất nhiều thời gian vận động và giải quyết vướng mắc đã ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Ðó là các dự án lớn có sự chỉ đạo nhất quán từ tỉnh đến cơ sở còn với các dự án nhỏ, siêu nhỏ thì các nhà đầu tư gặp khó khăn rất nhiều trong vấn đề tích tụ đất đai. Ðiển hình như Công ty TNHH Safe Green sản xuất gạo chất lượng cao ở xã Thanh An; Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, Hợp tác xã Công nghệ cao bản Mé chỉ có được vùng nguyên liệu sản xuất từ 30 - 100ha trong khi nhu cầu của doanh nghiệp cần nhiều hơn thế. Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Safe Green cho biết: Sản phẩm gạo chất lượng cao của công ty hiện đang là sản phẩm nông nghiệp duy nhất của tỉnh được dán tem chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm đã vào một số thị trường lớn ở miền Bắc như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương. Tuy nhiên vùng nguyên liệu chỉ có khoảng 30 - 50ha tại xã Thanh An (huyện Ðiện Biên), việc mở rộng quy mô sản xuất đang gặp khó khăn.

Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Ngoài vấn đề tích tụ đất đai thì vấn đề nguồn vốn để triển khai và phát triển các dự án là một thách thức. Các dự án nhà đầu tư đưa ra đều không thuyết phục được các ngân hàng thương mại giải ngân vốn. Không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khiến nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí không có khả năng thực hiện. Dự án Trang trại nuôi dê và Khu chế biến thức ăn cho dê của Công ty TNHH Công nghệ xanh tại đội C2, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư theo Quyết định số 994/QÐ-UBND ngày 1/8/2016. Quy mô dự án nuôi 2.500 con dê và khu chế biến thức ăn cho dê công suất 1,875 tấn/ngày, dự án có tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng. Ðến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch vì doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư. Công ty TNHH Công nghệ xanh đã nỗ lực tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn nhưng đều bị từ chối.

Ông Nguyễn Ðình Tới, quản lý Dự án Trang trại nuôi dê Công ty TNHH Công nghệ xanh cho biết: “Cơ cấu vốn của dự án gồm vốn góp, vốn huy động từ các cổ đông 9,9 tỷ đồng và 2,1 tỷ đồng vay ngân hàng thương mại. Dự án đã qua thẩm định của các sở, ngành và được UBND tỉnh phê duyệt, đến nay đã triển khai thực hiện được một số hạng mục như: Xây dựng hệ thống chuồng trại, nhà điều hành, nhà kho, khu chế biến thức ăn, hệ thống điện, nước và các công trình thoát nước. Tuy nhiên, khi làm thủ tục vay vốn tại các ngân hàng thương mại đều bị từ chối với lý do dự án không có hiệu quả đầu tư”.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Những năm gần đây, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhiều hơn trước, góp phần tích cực nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Song việc thu hút đầu tư và triển khai các dự án nông nghiệp vẫn còn những khó khăn. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top