Sôi động thị trường hàng hóa phục vụ tết

09:26 - Thứ Hai, 20/01/2020 Lượt xem: 9226 In bài viết

ĐBP - Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Những ngày giáp tết, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đẩy mạnh sản xuất, khai thác nguồn hàng với nhiều chủng loại hàng hóa, mẫu mã phong phú, chất lượng đảm bảo, kèm theo nhiều chương trình khuyến mại, dịch vụ hậu mãi phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 12/2019 toàn tỉnh ước đạt 1.150 tỷ đồng. Trong đó, bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.071,48 tỷ đồng; lưu trú, ăn uống ước đạt 43,71 tỷ đồng; dịch vụ khác ước đạt 34,82 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ địa phương cũng tăng, đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Ðiều đó cho thấy sức mua của người tiêu dùng tăng cao.

Khách hàng mua sắm tại Chợ Trung tâm I, TP. Ðiện Biên Phủ.

Khảo sát tại các chợ, siêu thị trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và một số chợ trung tâm thị trấn huyện, không khí mua sắm tết khá rộn ràng. Lượng khách hàng mua sắm tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường, chủ yếu là các mặt  hàng lương thực, thực phẩm, quần áo, giày dép... Nhìn chung giá cả thị trường tại thời điểm này cơ bản ổn định, riêng mặt hàng thịt lợn biến động tăng giá. Hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội xuân năm 2020. Giá bán lẻ một số mặt hàng như: Gạo tẻ thường từ 13 - 14 nghìn đồng/kg (giữ giá); gạo tám thơm 15 - 16 nghìn đồng/kg; gạo nếp nương 30 - 32 nghìn đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg); thịt lợn hơi giá bán từ 85 - 90 nghìn đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg so với tháng trước); giá bán lẻ thịt lợn ở mức cao, thịt ba chỉ, thịt mông giá 140 - 150 nghìn đồng/kg (tăng 10 - 15 nghìn đồng/kg so với tháng trước). Nguyên nhân giá thịt lợn tăng do số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy lớn bởi dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt lợn giảm. Bên cạnh đó nhiều hộ nuôi lợn có tâm lý muốn giữ lại chăm sóc để tăng trọng lượng lợn và chờ tăng giá. Ðối với thịt trâu, bò loại I có giá 240 - 250 nghìn đồng/kg (giữ giá); gà nuôi truyền thống giá từ 135 - 145 nghìn đồng/kg (giữ giá). Giá các loại rau củ ít biến động so với tháng trước, như cải xanh, cải ngồng từ 12 - 13 nghìn đồng/kg, bí xanh 15 nghìn đồng/kg; cà chua 14 - 15 nghìn đồng/kg; khoai tây 20 nghìn đồng/kg...

Chị Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng bánh kẹo tại chợ Trung tâm I, TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Những ngày này, lượng khách đến cửa hàng mua sắm tăng cao, doanh thu trung bình một ngày khoảng 20 - 25 triệu đồng. So với mọi năm, giá cả các mặt hàng không biến động nhiều. Ða số người tiêu dùng lựa chọn các nhãn hàng bánh kẹo trong nước như: Tràng An, Hải Hà, Bibica, Kinh Ðô... bởi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả phải chăng.

Cận Tết luôn là thời điểm thị trường hàng hóa có nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy các đơn vị chức năng tăng cường công tác dự báo cung cầu, diễn biến giá cả thị trường hàng hóa, tập trung vào các mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp tết nhất là thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn. Ðồng thời, tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa. Cục Quản lý thị trường Ðiện Biên đã phối hợp chặt chẽ với các ngành thành viên Ban chỉ đạo 389 của tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm các quy định như: Không niêm yết giá, bán hàng cao hơn giá niêm yết, đầu cơ găm hàng, tăng giá, buôn lậu và gian lận thương mại; vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp tết.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top