Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả

Hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả sản xuất

08:40 - Thứ Sáu, 21/02/2020 Lượt xem: 9773 In bài viết

ĐBP - Trước tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế rủi ro và tăng hiệu quả sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Lưu, bản Bó, thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) chăm sóc vườn rau.

Do ở khu vực có chân ruộng cao, công trình thủy lợi không thể cung cấp nước tưới để sản xuất lúa, nhiều năm nay, người dân bản Bó (thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa) phải làm phai tạm dẫn nước từ khe suối phục vụ sản xuất. Nguồn nước tưới không đều nên năng suất, sản lượng kém. Từ năm 2017 đến nay, 19 hộ dân bản Bó đã chủ động chuyển đổi từ lúa sang trồng các loại cây trồng cạn, cần ít nước như ngô và các loại rau màu. Từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mô hình này cho thu nhập 25 - 30 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa.

Bà Nguyễn Thị Lưu, người dân bản Bó cho biết: Gia đình tôi đã cải tạo 1.000m2 để trồng các loại cây trồng ưa cạn như: Mướp, cà pháo và các loại rau màu. Ðây là các loại cây không cần nhiều nước như cây lúa, chăm sóc cũng dễ dàng hơn nên hạn chế được rủi ro mất mùa mà lại cho thu nhập đều và cao hơn lúa rất nhiều. Tôi trồng rau theo phương pháp an toàn sinh học nên các trường học và bếp ăn tập thể trên địa bàn thường đến tận vườn đặt hàng, không phải đi bán ở chợ.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Ðức Dũng, đội 18, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) đã cải tạo 3.000m2 ruộng 1 vụ kém hiệu quả để trồng bắp cải, su hào và các loại rau vụ đông. Anh Dũng cho biết: Trồng rau vụ đông hầu như năm nào cũng được mùa. Bình quân 3.000m2 thu hoạch khoảng 10 tấn bắp cải. Năm nào được giá thì tổng thu nhập khoảng 70 triệu đồng; năm rớt giá cũng được 20 - 30 triệu đồng. Nhìn chung, trồng rau cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn trồng lúa.

Bên cạnh thế mạnh sản xuất lúa chất lượng cao, huyện Ðiện Biên cũng có ưu thế sản xuất rau màu. Toàn huyện có khoảng 500ha rau màu, chủ yếu tập trung ở các xã: Thanh Luông, Thanh Hưng, Noong Luống, Thanh Xương, Pom Lót, Noong Hẹt, Sam Mứn, Nà Nhạn, Nà Tấu... Những năm gần đây, sản xuất rau vụ đông cũng là vụ chính mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Ông Nguyễn Quang Bắc, Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho biết: Ðể tăng hiệu quả sản xuất, nhiều năm nay người dân trên địa bàn xã đã chủ động chuyển đổi một số diện tích lúa thiếu nước sang trồng rau cung cấp cho thị trường TP. Ðiện Biên Phủ và các xã lân cận. Toàn xã có trên 10ha rau màu. Hiện nay, ngoài trồng lúa, chăn nuôi thì trồng rau là một trong những nguồn thu nhập chính của người dân trên địa bàn. Theo khảo sát, thu nhập bình quân từ trồng rau đạt khoảng 15 - 20 triệu đồng/năm/hộ. Ðể hỗ trợ người dân phát triển nghề trồng rau, năm 2018 UBND xã Pom Lót đã thành lập hợp tác xã trồng rau an toàn Pom Lót. Thời gian tới, UBND xã Pom Lót tiếp tục khuyến khích các hộ dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Nông dân huyện Ðiện Biên có trình độ canh tác cao, nhất là các xã vùng lòng chảo. Huyện luôn khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này phải phù hợp với thực tế địa phương, UBND huyện yêu cầu các xã quy hoạch chi tiết về: Diện tích chuyển đổi, hệ thống thủy lợi, loại cây trồng... Ðể hỗ trợ người dân phát triển các loại cây trồng sau chuyển đổi, cụ thể là phát triển cây rau màu, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các xã xây dựng và nhân rộng một số mô hình mẫu là các hộ sản xuất điển hình; tăng cường tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại và quản lý chất lượng nông sản. Bên cạnh đó, Phòng tổ chức tập huấn theo định kỳ, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, cơ giới hóa trong sản xuất, mở rộng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư, phân bón đảm bảo đủ số lượng và chất lượng. Ðể rau vụ đông đạt kết quả tốt, các cơ quan chuyên môn phân công cán bộ phối hợp với xã thường xuyên kiểm tra, bám sát quy trình sản xuất, kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn nông dân; thường xuyên theo dõi các loại sâu bệnh trên rau kịp thời xử lý, không để ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top