Thiếu vốn trồng rừng phòng hộ

08:42 - Thứ Sáu, 21/02/2020 Lượt xem: 8941 In bài viết

ĐBP - Nhiều năm liền, công tác trồng mới rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh không hoàn thành theo kế hoạch. Nguyên nhân được xác định là do nguồn vốn trồng rừng hàng năm phân bổ muộn nên các địa phương không thể chủ động thực hiện kế hoạch trồng rừng.

Người dân xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) chăm sóc rừng trồng. Ảnh: Phạm Trung

Trồng rừng chậm được thanh toán nên trồng xong bỏ mặc không chăm sóc, bảo vệ hoặc là vay vốn trồng rừng trước nhưng chậm được chi trả là thực tế đang diễn ra đối với các chủ rừng tham gia trồng rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh trong 2 - 3 năm gần đây. Vì vậy, hiện nay người dân không mặn mà với trồng rừng phòng hộ dù diện tích đất trống vẫn rất lớn.

Ông Lò Văn Piến, Trưởng bản Tin Tốc, xã Mường Tùng (huyện Mường Chà) cho biết: Hiện nay, tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng thật sự khó, số lượng hộ tham gia không nhiều như những năm trước. Nguyên nhân là do chế độ chính sách về trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được chi trả quá chậm trong khi tâm lý người dân muốn nghiệm thu xong là thanh toán ngay. Ðơn cử như năm 2018, khi Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện triển khai kế hoạch trồng rừng tại bản, người dân rất đồng thuận, gần như cả bản đều đăng ký và đã trồng 22ha rừng phòng hộ. Kết thúc dự án, 100% diện tích đều được nghiệm thu, đủ điều kiện thanh toán. Tuy nhiên, suốt cả năm 2018 và năm 2019, người dân nhiều lần kiến nghị về việc thanh toán tiền trồng rừng nhưng đều được các cấp thẩm quyền trả lời rằng chưa có nguồn. Mãi đến trước tết Nguyên đán Canh Tý 2020, dân bản mới nhận được tiền trồng rừng năm 2018. 

Giai đoạn 2016 - 2020, Huyện ủy Mường Nhé ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ và phát triển rừng gắn với sắp xếp ổn định dân cư góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh với mục tiêu cả giai đoạn phấn đấu trồng 8.000 - 10.000ha, bình quân 2.000ha/năm. Do vậy, từ năm 2016 đến nay, Mường Nhé luôn là huyện đăng ký diện tích trồng mới rừng phòng hộ lớn nhất tỉnh. Nhiều hộ dân đã vay vốn để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương, từ những cây ngắn ngày hiệu quả thấp sang trồng rừng với hy vọng sẽ mang lại hiệu quả đúng như tính toán của huyện. Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện, đến nay các dự án trồng rừng ở Mường Nhé có thể nói là: Ðã không thành công. Càng về sau, số hộ đăng ký trồng rừng càng ít. Năm 2016, huyện đề ra kế hoạch trồng 1.800ha rừng keo, thực hiện được 439ha. Năm 2017, kế hoạch giao 1.800ha, toàn huyện trồng được 283,34ha (đạt 15,7%). Năm 2018, kế hoạch giao 1.200ha, người dân đăng ký trồng 254,18ha, thực hiện được 181,16ha (đạt 15,1% kế hoạch). Hệ lụy kéo theo là nhiều hộ dân khốn đốn, mang thêm nợ vì tỷ lệ cây sống đạt thấp, không đủ điều kiện nghiệm thu và thanh toán. Ðiển hình như các hộ: Giàng Sinh Chừ, bản Tả Ko Ki (xã Sín Thầu) vay 100 triệu đồng để trồng 10ha rừng; Vù Vù Sinh, bản Tả Ko Ki vay 50 triệu đồng trồng rừng và một số hộ dân khác ở các bản: A Pa Chải, Tả Ko Khừ, Pờ Nhù Khò (xã Sín Thầu).

Bà Mai Hương, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết: Theo Quyết định số 1168/QÐ-UBND, ngày 10/12/2018 của UBND tỉnh về giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2019, toàn tỉnh được giao trồng mới 120ha rừng phòng hộ. Trong đó: Huyện Ðiện Biên 10ha, Tuần Giáo 50ha, Mường Chà 30ha và Mường Ảng 30ha. Tuy nhiên, theo Quyết định số 2118/QÐ-BKHÐT, ngày 31/12/2018 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư, vốn ngân sách Nhà nước năm 2019, các dự án bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện thuộc chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Ðiện Biên năm 2019 không được bố trí vốn. Do đó, năm 2019 các huyện đều không thực hiện trồng rừng phòng hộ. Năm 2020, UBND tỉnh tiếp tục giao chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ với tổng diện tích 50ha, gồm: Huyện Ðiện Biên 30ha và Mường Chà 20ha. Ðối với nguồn vốn, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã phân bổ số vốn còn lại của giai đoạn 2016 - 2020 là 10,7 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Sau khi chi trả cho các hoạt động lâm sinh năm 2019, số vốn còn lại vẫn đủ cho 50ha rừng phòng hộ. Hiện nay, UBND tỉnh đang trình Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho phép tỉnh sử dụng nguồn vốn này sang năm 2020. Trong trường hợp không được chấp thuận thì 50ha rừng phòng hộ nếu hoàn thành cũng không thanh toán được.

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo cho biết: Năm 2018, Ban phối hợp với chính quyền các xã vừa thực hiện các dự án trồng rừng vừa đợi vốn. Tuy nhiên, nguồn vốn phân bổ quá muộn nên chi trả người dân muộn. Lãnh đạo các xã nhiều lần kiến nghị về việc chậm chi trả tiền trồng rừng cho dân, có nhiều trường hợp người dân lên tận trụ sở Ban Quản lý kiến nghị. Mặc dù do nguyên nhân khách quan nhưng thất hứa về thời gian chi trả đã làm giảm niềm tin của người dân đối với chủ đầu tư và gây nhiều khó khăn trong các dự án tiếp theo. Chính vì vậy năm 2019, được giao kế hoạch nhưng không được giao vốn nên Ban không triển khai thực hiện trồng rừng phòng hộ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Mường Chà cho biết: Thực hiện các dự án trồng rừng năm 2018, chủ đầu tư phải ghi nợ người dân gần 1 tỷ đồng tiền trồng rừng trong gần 2 năm. Năm 2019, huyện được giao trồng mới 30ha nhưng do không có vốn nên huyện không thực hiện. Năm 2020, UBND tỉnh tiếp tục giao huyện Mường Chà trồng mới 20ha rừng phòng hộ. Hiện nay, Ban đang phối hợp với các xã tìm địa điểm, vận động người dân đăng ký trồng rừng. Sau đó, đợi nguồn vốn được phân bổ mới triển khai các bước tiếp theo.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top