Giá thịt lợn và bài toán bền vững

10:21 - Thứ Sáu, 21/02/2020 Lượt xem: 7993 In bài viết

Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đã giảm giá thịt lợn xuất chuồng xuống 75.000 đồng/kg. Mặt khác, những tín hiệu khả quan trong việc khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi là cơ sở để tái đàn lợn, đáp ứng nguồn cung cho thị trường. Ở thời điểm hiện tại, vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội, tiếp tục giảm giá thịt lợn về mức như trước khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra.

Doanh nghiệp giảm giá thịt lợn nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng là giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất thịt lợn sạch tại Công ty cổ phần Thực phẩm Song Đạt (huyện Thanh Trì). Ảnh: Viết Thành

Giá thịt lợn giảm nhưng vẫn cao

Trước tình hình giá thịt lợn giữ ở mức cao (tháng 1-2020 là 80.000 đồng/kg - 85.000 đồng/kg lợn hơi), Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, tổ chức các giải pháp để bình ổn giá, giảm giá mặt hàng thịt lợn. Yêu cầu đặt ra là, trong tháng 2-2020, giá lợn hơi phải giảm 10%, tháng 3-2020 giảm về mức 60.000 đồng/kg - 65.000 đồng/kg và trong các tháng tiếp theo, tiếp tục giảm về mức 45.000 đồng/kg - 50.000 đồng/kg - mức bình thường trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi. 

Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như: Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam... và yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi giảm giá thịt lợn hơi xuống mức 75.000 đồng/kg. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, giá thịt lợn phải ở mức độ hợp lý, hài hòa, vừa bảo vệ thị trường, vừa bảo đảm sản xuất bền vững...

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và khuyến nghị của Bộ NN&PTNT, một số doanh nghiệp đã điều chỉnh mức giá lợn hơi về 75.000 đồng/kg. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, hiện công ty đã giảm giá lợn hơi từ 85.000 đồng/kg xuống còn 73.000 đồng/kg - 75.000 đồng/kg. Còn ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam thông tin, hiện nay Dabaco đã giảm giá lợn trong toàn bộ hệ thống trang trại của tập đoàn xuống còn 74.000 đồng/kg - 75.000 đồng/kg. Ở thời điểm hiện tại, giá thành chăn nuôi lợn của Dabaco là gần 50.000 đồng/kg...

Không chỉ doanh nghiệp lớn mà các trang trại chăn nuôi cũng bắt đầu giảm giá thịt lợn xuất chuồng, theo ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa), ngày 18-2, giá thịt lợn tại trang trại là 76.000 đồng/kg (giảm 4.000-5.000 đồng/kg so với đầu tháng 2-2020). Mặt bằng giá này bảo đảm có lãi cho người sản xuất.

Ghi nhận những tín hiệu tích cực từ việc các doanh nghiệp đưa giá thịt lợn về mức 70.000 đồng/kg - 75.000 đồng/kg, song Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, mức giá này vẫn cao. Nguyên nhân chính là dù bệnh Dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát, nhưng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn e ngại chưa dám tái đàn. Việc tái đàn chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp và các trang trại lớn... Mặt khác, chi phí chăn nuôi cũng khá cao. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết thêm, với tốc độ tái đàn hiện nay, dự báo trong quý I-2020 đàn lợn cả nước sẽ có 24-25 triệu con, khi nguồn cung tăng lên thì giá sẽ tiếp tục giảm…

Các chuyên gia cũng nhận định, với năng lực tái đàn như hiện nay, chắc chắn trong thời gian tới giá lợn hơi sẽ xuống mức 60.000 đồng/kg - 65.000 đồng/kg. Tuy nhiên, so với giá thành sản xuất, giá thịt lợn xuất chuồng vẫn cao và các doanh nghiệp chăn nuôi đang có lãi lớn. Trong bối cảnh phải đối mặt với hàng loạt vấn đề về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… thì bài toán về sự hài hòa lợi ích giữa người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng cũng như của toàn xã hội cần tiếp tục đặt ra.

Giá thịt lợn được dự báo tiếp tục giảm trong thời gian tới khi nguồn cung dồi dào hơn. Ảnh: Hải Anh

Phát triển thị trường bền vững

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, vấn đề đặt ra là phải đưa giá thịt lợn về bằng mức bình thường như trước khi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Để tăng nguồn cung cho thị trường, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tái đàn...

Hài hòa lợi ích chính là nền tảng của sự phát triển bền vững. Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương nêu vấn đề, hiện nay đàn lợn của các doanh nghiệp lớn chiếm 40% tổng đàn cả nước, nếu các doanh nghiệp chăn nuôi chung sức thì hoàn toàn có thể giảm giá thịt lợn trên thị trường. Do đó, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các doanh nghiệp thể hiện rõ trách nhiệm của mình cùng chia sẻ lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng.  

Mặt khác, với những vấn đề đặt ra xung quanh “nghịch lý giá thịt lợn tăng cao”, trên tinh thần “Nhà nước không can thiệp thô bạo vào thị trường nhưng phải bảo đảm hài hòa lợi ích sản xuất, người tiêu dùng và xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục kiểm tra các doanh nghiệp chăn nuôi lợn có thị phần lớn trong việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh, gian lận thương mại. Nếu có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, thao túng giá, sẽ thực hiện xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật...”.

Để giảm giá thịt lợn và phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi bền vững, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Đến nay, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố đã tái đàn được 472.820 con, dự kiến thời gian tới con số này tiếp tục tăng. Để bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng Thủ đô, các huyện, thị xã đang đẩy mạnh tuyên truyền về chăn nuôi an toàn sinh học; đồng thời thực hiện việc tái đàn ở những nơi không bị bệnh Dịch tả lợn châu Phi hoặc bệnh dịch đã qua 30 ngày không phát sinh. 

"Chính quyền địa phương sẽ kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn của các hộ dân. Bên cạnh đó, các sở, ngành cung cấp thông tin về nguồn cung và giá cả để chủ động kiểm soát, tránh hiện tượng găm hàng, thổi giá lên cao bất thường hoặc tái đàn ồ ạt dẫn đến dư thừa nguồn cung", ông Nguyễn Huy Đăng thông tin.

Cùng với tái đàn, quản lý tái đàn, bảo đảm an toàn dịch bệnh nhằm tăng nguồn cung cho thị trường, việc các doanh nghiệp giảm giá thịt lợn, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và toàn xã hội cũng là giải pháp quan trọng để phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi bền vững. 

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top