Ðẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu

09:02 - Thứ Ba, 25/02/2020 Lượt xem: 9554 In bài viết

Ðể đạt mục tiêu đến năm 2025 xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt giá trị 20 tỷ USD, ngành lâm nghiệp phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó phát triển nguồn nguyên liệu gỗ được đặt lên hàng đầu. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, các địa phương và doanh nghiệp phải đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng nguyên liệu đáp ứng đủ tiêu chuẩn và nhu cầu sản xuất, kinh doanh phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tích cực trồng rừng

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong năm 2019, các địa phương đã sản xuất được hơn 640 triệu cây giống, trong đó cây gieo ươm từ hạt là 500 triệu cây và 140 triệu cây mô. Hiện, diện tích rừng trồng có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con đã đạt 85%. Diện tích rừng trồng chưa được kiểm soát chất lượng chủ yếu do cá nhân, hộ gia đình tự đầu tư, tự chuẩn bị cây giống trồng rừng. Mặc dù tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng không tăng so với năm 2018, nhưng những diện tích rừng lại cơ bản được trồng từ giống chất lượng cao, vì vậy chất lượng, năng suất rừng ước tính sẽ tăng 10 đến 15% so chu kỳ trước. Ðến nay, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước đã đáp ứng được hơn 70% nhu cầu cho sản xuất và chế biến để phục vụ xuất khẩu.

Ðể chủ động hơn nữa nguồn nguyên liệu cho chế biến, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng, ngành lâm nghiệp đang thực hiện xây dựng đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững; tiếp tục duy trì việc trao đổi thông tin với các hiệp hội, doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong xuất khẩu lâm sản. Do đó, việc phát triển nguồn nguyên liệu gỗ bền vững thông qua công tác trồng rừng phục vụ sản xuất, chế biến gỗ đang được các địa phương và doanh nghiệp tích cực triển khai.

Cùng với sự chăm sóc, phát triển rừng hiệu quả của các hộ dân, hợp tác xã, đến nay đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hợp tác và liên doanh, liên kết trong sản xuất lâm nghiệp được các địa phương phát triển, điển hình như: liên kết giữa NAFOCO với các hộ trồng rừng tỉnh Yên Bái, liên kết giữa Công ty Woodsland với các hộ trồng rừng tỉnh Tuyên Quang, liên kết giữa Công ty Scansia Pacific với các hộ trồng rừng tỉnh Quảng Trị, liên kết giữa Công ty Woodsland với các công ty lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang và hợp tác liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ và người dân trồng rừng tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ninh,... Tại tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế hiện đã thành lập Hiệp hội chủ rừng có chứng chỉ rừng. Ðây là mô hình đầu tiên của cả nước, đang phát huy hiệu quả trong việc trồng, quản lý rừng theo tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp gỗ có chứng chỉ rừng, tăng lợi nhuận cho người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến.

Phát triển bền vững các vùng nguyên liệu gỗ

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, hiện nay mặc dù nguồn nguyên liệu gỗ đã đáp ứng được hơn 70% nhu cầu sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu nhưng thực tế tính ổn định và bền vững còn thấp. Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua gỗ nguyên liệu vì khan hiếm. Nguyên nhân là do mức cung chưa đủ hoặc các thương lái trên thị trường tận thu để xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland (Hà Nội) Ðỗ Thị Bạch Tuyết cho rằng, một phần của sự thiếu hụt trên do các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ thông qua các hợp đồng cung ứng tài chính để liên kết trồng rừng và tiêu thụ nguyên liệu gỗ với các chủ rừng, các địa phương và lý do khách quan, một phần cũng do nhiều nước trong khu vực đã có chính sách thắt chặt nguồn nguyên liệu từ rừng, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, làm gia tăng áp lực lên nguyên liệu gỗ đầu vào. Do vậy, để khắc phục sự thiếu hụt đó, các doanh nghiệp cần sớm xây dựng phương án phát triển hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp. Ðồng thời, đẩy mạnh các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng rừng có chứng nhận quản lý rừng bền vững tại các địa phương. Ðây là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy ngành sản xuất gỗ và các sản phẩm gỗ phát triển ổn định, bền vững đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ðể nhanh chóng bù lấp sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu gỗ, không có giải pháp nào tốt hơn là phát triển rừng. Tuy nhiên, đây là vấn đề không dễ khi thực tế quỹ đất đang được giao cho các hộ gia đình. Ðể có sự đột phá về trồng rừng, ngành lâm nghiệp phải cơ cấu lại các doanh nghiệp lâm nghiệp tại các địa phương. Vì trên thực tế, các doanh nghiệp này đang quản lý quỹ đất rừng lớn và "màu mỡ" nhất. Với việc giao khoán rừng trồng cho các hộ gia đình, suy cho cùng là vẫn sản xuất tiểu nông, nhỏ lẻ, không tạo ra được các vùng rừng nguyên liệu chuyên canh lớn, cho năng suất, chất lượng cao. Thông qua tái cơ cấu, ngành lâm nghiệp sẽ kêu gọi được các nhà đầu tư chiến lược, tạo ra giá trị các vùng nguyên liệu tập trung, năng suất, chất lượng cao hơn nhiều so với thực trạng hiện nay.

Như vậy, việc kết hợp trồng rừng giữa các hộ gia đình (tại những khu vực nhỏ lẻ, manh mún) với các doanh nghiệp trồng rừng gỗ lớn, tập trung sẽ mang lại hiệu quả cao cho công tác phát triển nguyên liệu gỗ, trước đòi hỏi bức bách của nhu cầu sản xuất và chế biến gỗ hiện nay. Ðể trở thành đầu mối hợp tác với các tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế; chủ trì và triển khai hoạt động về chứng chỉ rừng ở Việt Nam; xây dựng và phát triển thương hiệu chứng chỉ rừng Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, đầu năm 2019, Tổng cục Lâm nghiệp đã thành lập Văn phòng chứng chỉ rừng. Hiện, Việt Nam đã chủ động cấp chứng chỉ rừng cho các diện tích rừng quản lý bền vững (trước đây phải đi thuê các tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ của nước ngoài với chi phí cao). Việc tự đánh giá, cấp chứng chỉ, được quốc tế công nhận, một mặt sẽ thuận lợi hơn và chi phí cũng giảm được khoảng 30% cho các chủ rừng, đồng thời nâng vị thế, uy tín quốc gia. Tháng 2-2020, ngành lâm nghiệp trao chứng chỉ đầu tiên cho diện tích rừng của Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam. Ðây cũng là một tín hiệu vui, giảm gánh nặng về giá thành cho việc phát triển nguyên liệu gỗ trước mắt và lâu dài, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy sự phát triển nguồn nguyên liệu gỗ ổn định, bền vững.

 

Năm 2019, cả nước đã trồng gần 240.000 ha rừng, đạt 112,6% kế hoạch năm. Trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng gần 12.000 ha (với 2.500 ha rừng trồng thay thế và 3.000 ha rừng ven biển); rừng sản xuất 227.000 ha (trồng mới 40.000 ha, trồng lại sau khai thác 187.000 ha). Ngoài ra, các địa phương còn trồng hơn 63 triệu cây phân tán và khoanh nuôi tái sinh 186.000 ha rừng. Năm 2020 phấn đấu nâng độ che phủ rừng đạt 42% và kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt ít nhất 12 tỷ USD…

(Nguồn: Tổng cục Lâm nghiệp)

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top