Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung

08:56 - Thứ Tư, 26/02/2020 Lượt xem: 9938 In bài viết

ĐBP - Trước đây phát triển chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện Ðiện Biên còn nhiều hạn chế, như: Quy mô nhỏ, tự phát, phân tán còn chiếm tỷ lệ cao; phát triển chăn nuôi chưa gắn với xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; khi dịch bệnh xảy ra thường gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi... Xác định phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung là một trong những giải pháp tạo sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua huyện Ðiện Biên đã chỉ đạo, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi gia cầm. Nhờ đó, tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực.

Anh Ðỗ Ðức Sử, đội 4a, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) chăm sóc đàn gia cầm.

UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã tích cực tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung, hàng hóa để từng bước thay đổi tư duy chăn nuôi. Ðồng thời, tổ chức các lớp học nghề, tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi hàng hóa; hướng dẫn người dân tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho đàn gia cầm, sử dụng các giống vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao, áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế.

Ðến nay chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học được người dân các xã vùng lòng chảo Ðiện Biên lựa chọn và phát triển khá nhanh. Nhiều mô hình gia trại, trang trại chăn nuôi gia cầm tập trung, quy mô lớn đã được hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi gà, vịt đẻ và thịt theo hướng tập trung, an toàn sinh học của gia đình anh Ðỗ Ðức Sử, đội 4a, xã Thanh Yên có khoảng 2.000 con gà đẻ, hàng trăm con gà thịt và hơn 1.000 con vịt siêu trứng. Trung bình, mỗi ngày đàn gà, vịt cho thu hoạch từ 1.300 - 1.500 quả trứng. Anh Sử cho biết: Chăn nuôi gia cầm tập trung, sử dụng công nghệ an toàn sinh học không tốn nhiều nhân công chăm sóc, đàn gia cầm phát triển mạnh, ít mắc bệnh, hiệu quả cao hơn nhiều so với cách chăn nuôi truyền thống. Ngoài ra, phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học còn phòng tránh tốt dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh khu vực chăn nuôi và môi trường xung quanh.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn huyện Ðiện Biên, sau 5 năm (2014 - 2019), đàn gia cầm của huyện đã tăng từ gần 1,1 triệu con lên hơn 1,8 triệu con, tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã vùng lòng chảo như: Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Xương, Thanh Chăn, Thanh Yên... Với mục tiêu phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững, an toàn, nâng cao thu nhập, trên cơ sở những kết quả chăn nuôi tập trung thời gian qua huyện Ðiện Biên tiếp tục tuyên truyền, định hướng, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quy trình chăn nuôi an toàn từ con giống đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả cao, có sự liên kết giữa người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm từng bước hiện đại hóa quy trình sản xuất chăn nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thu nhập cao và ổn định cho người chăn nuôi.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top