Ðảm bảo không khan hàng, sốt giá mùa dịch

09:03 - Thứ Hai, 16/03/2020 Lượt xem: 10155 In bài viết

ĐBP - Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, các doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ động nguồn hàng hóa, đảm bảo không thiếu hàng, không để xảy ra đột biến cung - cầu hay tạo sốt ảo thị trường.

Sức mua tăng

Thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh lo ngại dịch Covid-19, hạn chế tiếp xúc ở những nơi đông người nên đã chủ động dự trữ thực phẩm khô, rau, củ, quả, chuẩn bị đồ ăn cho cả tuần. Ðiều này dẫn đến lượng tiêu thụ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả của người dân tăng lên đáng kể. Bà Trần Thị Hoa, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt từ khi Việt Nam ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2 thứ 17 thì gia đình tôi và nhiều hộ tại khu dân cư đều hạn chế ra ngoài ăn nhà hàng, đồng thời mua thực phẩm dự trữ. Riêng đối với gạo, mỳ gói, cháo gói và hoa quả tôi mua nhiều để phòng khi.

Khảo sát tại nhiều điểm bán hàng lớn và các siêu thị sức mua của người dân trong thời điểm này tăng với các mặt hàng chủ yếu là rau, củ, quả và đồ khô. Tại Siêu thị Tâm Ðỏ, lượng người mua hàng tăng gấp 2 lần so với ngày thường. Ðể đảm bảo nguồn cung, Siêu thị đã làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo nguồn hàng chất lượng, bổ sung rau, củ, quả hàng ngày. Ðối với mặt hàng rau, củ, quả, Siêu thị nhập chủ yếu từ trang trại rau xanh “nhà làm ra” rộng 3,5ha tại xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên). Ðồng thời tăng cường nhập rau, củ, quả từ Ðà Lạt về để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.

Không chỉ siêu thị mà các đại lý, cửa hàng tạp hóa cũng đã chủ động nguồn hàng, tăng gấp 2 - 3 lần số lượng thông thường; với mục tiêu đảm bảo đủ nguồn cung cho khách hàng trong mọi hoàn cảnh, đồng thời cam kết không tăng giá. Chị Nguyễn Thị Hà, chủ một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn phường Thanh Bình (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: “Thời gian gần đây, đặc biệt là từ khi số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại một số tỉnh, thành trên cả nước tăng, sức mua của người dân đối với thực phẩm như: Mì tôm, cháo gói, đồ hộp tăng mạnh. Tuy vậy, cửa hàng vẫn bán đúng giá, như: Mì Omachi có giá 175 nghìn đồng/kiện, mì Hảo Hảo 95 nghìn đồng/kiện, mì Gấu Ðỏ 60 nghìn đồng/kiện.

Theo thống kê từ Sở Công Thương, trong 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ toàn tỉnh ước đạt 2.933 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I ước đạt 14.600 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.

Chủ động ứng phó

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Sở đã tập trung triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Trong đó tích cực chỉ đạo phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành phố tăng cường công tác theo dõi, giám sát diễn biến cung - cầu, giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung - cầu do dịch bệnh; chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động dự trữ hàng hóa, vật tư cho thị trường trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, xây dựng phương án tiếp ứng hàng hóa và chủ động tập kết hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế, dược phẩm, xăng dầu, ga, hàng tiêu dùng… đảm bảo ổn định, lưu thông phục vụ nhân dân trong thời gian dịch bệnh.

Dự báo trước nhu cầu mua sắm tăng do tâm lý lo lắng thực phẩm khan hiếm, Sở Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các siêu thị, hệ thống phân phối của các doanh nghiệp, cá nhân đảm bảo nguồn cung thực phẩm, đặc biệt là đảm bảo bán đúng giá bình ổn theo cam kết. Theo khảo sát của Sở, ngoài thịt lợn và gạo tăng từ 10 - 30 nghìn đồng/kg thì hầu hết giá của các mặt hàng lương thực thực phẩm trên địa bàn đều ổn định. Ðối với vật tư y tế, do nhu cầu của nhân dân về sử dụng mặt hàng khẩu trang y tế ngày càng tăng cao, nhằm bình ổn thị trường vật tư y tế (khẩu trang, nước sát trùng), Sở đã báo cáo UBND tỉnh, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và đã được giới thiệu các nhà sản xuất, cung ứng vật tư y tế. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp đầu mối nhập mặt hàng khẩu trang y tế phòng, chống dịch và bình ổn giá. Ðến nay, các đơn vị doanh nghiệp kinh doanh đầu mối đã nhập 66.928 chiếc khẩu trang y tế các loại phục vụ nhu cầu của người dân và cam kết nhập hàng, niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết. Cụ thể, khẩu trang 3D mask Pro có giá 2.800 đồng/chiếc, khẩu trang y tế dùng nhiều lần 7.000 đồng/chiếc, khẩu trang y tế 3 lớp 16.900 đồng/hộp 5 chiếc, nước sát khuẩn (rửa tay khô) giá từ 85.000 - 100.000 đồng (tùy loại).

Sở Công Thương cũng khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng, nghe theo các tin đồn thất thiệt mà tích trữ hàng hóa quá mức cần thiết gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngành chức năng đã và đang thực hiện tốt công tác bình ổn giá, đảm bảo đủ nhu yếu phẩm phục vụ người dân.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top