Vận tải khách gặp khó vì dịch Covid - 19

09:05 - Thứ Hai, 16/03/2020 Lượt xem: 11391 In bài viết

ĐBP - Dịch Covid - 19 đang có diễn biến phức tạp, không chỉ tác động đến sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có dịch vụ vận tải khách. Tình cảnh xe nằm bến, hoạt động cầm chừng, lượng khách sụt giảm khiến các đơn vị kinh doanh vận tải khách đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn.

Mặc dù lượng khách sụt giảm, các nhà xe vẫn phải duy trì hoạt động. Trong ảnh: Xe chờ đón khách tại Bến xe tỉnh. Ảnh: Thu Hằng

Khách ít, nguồn thu giảm

Hàng năm, vào dịp đầu năm, các xe khách luôn nhộn nhịp xuất bến để đưa đón người trở lại làm việc, nhất là nhu cầu đi lễ hội đầu năm của người dân. Thế nhưng, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng và dừng các chuyến du lịch đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải khách.

Nghỉ hoạt động 10 ngày liên tiếp vì không có khách, mỗi chuyến đi phải bù lỗ từ 4 - 8 triệu đồng với đủ các khoản chi từ xăng, dầu, phí 2 đầu bến, phí cầu đường đến chi phí ăn, lương cho lái xe, phụ xe… là tình trạng tuyến xe “chuyên cơ” Ðiện Biên - Thái Nguyên của Công ty Cổ phần Du lịch Xuân Long Ðiện Biên. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, kế toán Công ty cho biết: Công ty chúng tôi hiện có 35 đầu xe chạy tuyến cố định liên tỉnh. Cùng kỳ năm trước, chúng tôi luôn trong tình trạng “cháy” xe vì không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. Song từ sau tết Nguyên đán đến nay, lượng khách giảm đến 2/3, thậm chí có chuyến xe chỉ có 4 - 5 khách, dẫn tới doanh thu của Công ty giảm nhiều. Xe nằm bến, lái xe không có việc làm nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì trả lương cho nhân viên; cùng với đó, doanh nghiệp phải nộp lãi vay ngân hàng nên càng thêm khó khăn. Mặc dù không có khách, nhiều chuyến đi phải bù lỗ nhưng các xe vẫn phải duy trì hoạt động bởi theo Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thì đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định sẽ bị đình chỉ khai thác tuyến 1 tháng khi thực hiện dưới 70% số chuyến xe theo biểu đồ chạy xe trên tuyến đã được phê duyệt trong 1 tháng.

Anh Nguyễn Tuấn Anh, nhà xe Tâm Tâm Travel chia sẻ: Ðơn vị chúng tôi hiện có 8 xe loại từ 7 - 29 chỗ ngồi đều là xe chuyên hợp đồng trở khách. Thời điểm trước tết Nguyên đán Canh Tý, hầu hết xe đều có hợp đồng chở khách đi du lịch và đi chùa đầu năm đến hết tháng 4/2020. Tuy nhiên, sau tết Nguyên đán, do lo ngại dịch Covid-19 và nhiều địa phương cũng hoãn các lễ, hội xuân để tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh nên khách hàng hủy hợp đồng nhiều. 2 tuần nay các xe đều nằm bến vì không có hợp đồng. Mặc dù không hoạt động, nhưng để giữ chân lái xe, nhà xe vẫn phải trả 1/3 số lương cho một số lái xe chuyên chạy tuyến đường dài.

Cần giải pháp hỗ trợ

Thống kê của Sở GTVT cho thấy, từ đầu tháng 2 đến nay, các đơn vị kinh doanh vận tải như: HTX vận chuyển khách, hàng hóa và dịch vụ, Công ty Cổ phần Du lịch Xuân Long và HTX Tân Thanh đã có đơn gửi Sở GTVT đề nghị cơ quan quản lý tuyến tạm thời xem xét cho giảm số chuyến xe trên tuyến vận tải khách cố định trong thời gian đang diễn ra dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Ðể đảm bảo ổn định trật tự vận tải khách, đồng thời gỡ khó cho các đơn vị, Sở đã ra văn bản cho phép các đơn vị vận tải khách căn cứ vào tình hình thực tế, phương án kinh doanh để sắp xếp hợp lý số chuyến xe hoạt động đảm bảo hiệu quả. Nếu thấy cần thiết phải giảm tần suất chạy xe trên các tuyến cố định, đề nghị các đơn vị gửi thông báo đến Sở GTVT để được giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên, việc giảm số chuyến cũng chỉ là giải pháp tạm thời khi không có khách. Ðối với các xe vẫn phải duy trì tuyến cần có nhiều giải pháp thiết thực hơn, bởi có rất nhiều các khoản chi phí phải nộp như: Phí cầu, đường bộ, trả lãi vay vốn ngân hàng theo định kỳ… Ðơn cử như việc trả phí ra, vào bến, theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, kế toán Công ty Cổ phần Du lịch Xuân Long Ðiện Biên thì trung bình mỗi xe chạy tuyến cố định liên tỉnh của Công ty phải trả từ 400.000 - 450.000 đồng/lượt. Như vậy, chỉ riêng phí ra, vào bến trung bình mỗi xe mất từ 800.000 - 900.000 đồng/chuyến (tùy từng loại xe), kể cả chuyến đó có khách hay không có khách. Hay như việc trả lãi vay vốn ngân hàng, theo hợp đồng hàng tháng Công ty sẽ phải thanh toán một phần tiền gốc cộng với lãi. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, Công ty đã có đơn xin giãn thanh toán tiền gốc theo định kỳ mà chỉ trả lãi, tuy nhiên đề nghị trên không được phía ngân hàng chấp thuận.

Trước những khó khăn chung, các đơn vị vận tải khách trên địa bàn tỉnh mong muốn các cơ quan chức năng, các ngân hàng kịp thời chia sẻ, tháo gỡ giúp các doanh nghiệp nói chung, các đơn vị kinh doanh vận tải khách nói riêng vượt qua khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top