Thanh niên Tủa Chùa xung kích phát triển kinh tế

15:06 - Thứ Sáu, 27/03/2020 Lượt xem: 9696 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, đoàn viên thanh niên (ÐVTN) huyện Tủa Chùa luôn là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế, hoạt động xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương. Các mô hình kinh tế dù chưa thực sự đạt giá trị cao do đặc điểm địa hình và điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, song ưu điểm từ những mô hình này là sự thay đổi về nhận thức cũng như cách nghĩ, cách làm của thanh niên Tủa Chùa trong hưởng ứng và thực hiện phong trào lập thân lập nghiệp. Dần từ bỏ tư tưởng thụ động hay sự ỷ lại, nhiều ÐVTN dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã và đang tạo dựng cuộc sống no ấm bằng sức trẻ, tính tiên phong, sự năng động. Ðó là những thanh niên dân tộc Thái phát triển lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm; thanh niên dân tộc Mông khoanh nuôi, bảo vệ rừng và làm dịch vụ để tăng thu nhập…

Mô hình nuôi cá lồng trên sông Ðà của ÐVTN xã Huổi Só.

Mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên Lờ A Vàng, thôn Sín Sủ 2, xã Xá Nhè là một trong những mô hình tiêu biểu. Năm 2006, anh đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư đào ao nuôi cá. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn, không ít lần cá chết hàng loạt. Song với quyết tâm thoát nghèo, thành quả cũng đến với anh. Hiện nay, anh Vàng đã xây dựng được mô hình kinh tế gồm 3 ao cá với diện tích trên 2000m2, kết hợp với nuôi nhím, nuôi ong, gia cầm và phát triển cây ăn quả, trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập trên 40 triệu đồng. Hiện nay cuộc sống của gia đình anh Vàng đã khá giả, con cái có điều kiện học tập đầy đủ.

Nếu như đoàn viên Lờ A Vàng chọn nuôi cá để phát triển kinh tế thì dựa vào điều kiện thực tế của địa phương, đoàn viên Quàng Văn Thắm, thôn Tả Si Láng, xã Tủa Thàng lại chọn trồng khoanh nuôi và phát triển kinh tế dưới tán rừng. Anh Thắm chia sẻ: “Hiện gia đình tôi có 1,5ha cây sa nhân và cây ban. Sa nhân thì cho thu nhập, còn trồng ban để phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Năm vừa rồi thu nhập từ sa nhân được hơn 30 triệu đồng”. Ngoài ra, anh Thắm còn kết hợp chăn nuôi, trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi thì gia đình anh luôn duy trì đàn lợn hơn 10 con. Hiện nay, anh đang đợi điều kiện ổn định sẽ tái đàn.

Với sức trẻ, sự sáng tạo, không cam chịu đói nghèo, nhiều ÐVTN đã vươn lên thoát khỏi đói nghèo bằng đôi bàn tay của mình. Năng động trong cách làm kinh tế, mỗi năm trong đội ngũ đoàn viên huyện Tủa Chùa lại xuất hiện thêm nhiều nhân tố điển hình trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Chị Phạm Thị Huế, Bí thư Huyện đoàn Tủa Chùa cho biết: Ðể tạo điều kiện cho ÐVTN nông thôn trên địa bàn huyện vươn lên, những năm qua, Huyện đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng ÐVTN trong học tập, khởi nghiệp và lập nghiệp. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ thanh niên chưa có việc làm, đáp ứng nhu cầu chính đáng của thanh niên, ổn định an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Trong phong trào thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, Huyện đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho ÐVTN vay vốn với dư nợ gần 40 tỷ đồng; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho ÐVTN. Việc sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp nhiều gia đình ÐVTN làm ăn có hiệu quả, cho thu nhập trên 30 triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như các đoàn viên: Vàng Dùng Hồ, Ngải Lèng Phóng (xã Lao Xả Phình); Giàng A Khu, Sùng A Tính, Lờ A Vàng (xã Xá Nhè)… Những mô hình kinh tế của thanh niên Tủa Chùa đã khẳng định tiềm năng của tuổi trẻ vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top