Khó khăn quản lý lâm sản ở Tuần Giáo

09:13 - Thứ Tư, 01/04/2020 Lượt xem: 9964 In bài viết

ĐBP - Huyện Tuần Giáo hiện có trên 42.300ha đất có rừng, gồm hơn 41.400ha rừng tự nhiên và 913,56ha rừng trồng. Xác định lâm sản là nguồn tài nguyên quan trọng về kinh tế và sự đa dạng sinh học, những năm qua Hạt Kiểm lâm huyện đã triển khai nhiều giải pháp quản lý lâm sản, song quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Số gỗ lực lượng chức năng đã thu giữ trong chuyên án 220V, tại khu vực bản Minh Thắng, xã Quài Nưa.

Ông Đinh Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo cho biết: Trên địa bàn huyện có 12 cơ sở mua bán, kinh doanh, chế biến gỗ có đủ giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; 1 cơ sở nuôi động vật hoang dã (rắn hổ mang một mắt kính với tổng số 324 cá thể). Nhìn chung các cơ sở đã thực hiện tốt quy định về quản lý, nuôi động vật hoang dã theo quy định của pháp luật. Đối với công tác quản lý lâm sản, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu, triển khai thực hiện nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài như: Ban hành văn bản, tổ chức kiểm tra, phối hợp liên ngành tuyên truyền, tuần tra bảo vệ rừng để thực hiện đúng trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Mặc dù vậy, do diện tích rừng quản lý dàn trải, địa hình hiểm trở, hệ thống đường giao thông chưa hoàn chỉnh nên công tác bảo vệ rừng, quản lý lâm sản gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó thủ đoạn của các đối tượng phá rừng, mua, bán, cất giấu, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Ngoài ra, việc nắm bắt nhanh các thông tin về khai thác, vận chuyển lâm sản có lúc, có nơi còn chậm, tính chủ động chưa cao dẫn đến chỉ đạo, điều hành thiếu linh hoạt. Từ đó, dẫn đến tình trạng mua bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trên địa bàn còn xảy ra phức tạp. Điển hình là cuối tháng 2 vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo đã phối hợp với lực lượng chức năng phá chuyên án 220V, bắt Phạm Đức Vụ (SN 1963, đăng ký hộ khẩu thường trú tại bản Minh Thắng, xã Quài Nưa) về hành vi vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản. Vật chứng thu giữ gồm 2.210 lóng gỗ tròn, dạng thớt (nghi gỗ nghiến, nhóm IIA) với nhiều kích cỡ, chưa qua sơ chế thành phẩm và 59 hộp gỗ xẻ gồm nhiều loại gỗ khác nhau với tổng khối lượng hơn 10,1m3. Toàn bộ số gỗ trên đều không có hồ sơ thủ tục theo quy định. Trước đó, Phạm Đức Vụ đã có 1 tiền sự về hành vi mua bán gỗ tròn nghiến, dạng thớt và bị phạt 20 triệu đồng vào tháng 8/2019, chưa xóa án tích.

Năm 2019, Hạt Kiểm lâm Tuần Giáo đã phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND các xã kiểm tra, phát hiện và xử lý 81 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (tăng 13 vụ so với năm 2018). Trong đó, 47 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật; 22 vụ mua bán, tàng trữ lâm sản trái pháp luật; 6 vụ vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy gây cháy rừng. Trên địa bàn huyện cũng xảy ra 4 vụ khai thác rừng trái phép; 2 vụ vi phạm quy định về hồ sơ, thủ tục khai thác lâm sản có nguồn gốc hợp pháp. Lực lượng chức năng đã tịch thu 35,125m3 gỗ các loại (6,826m3 gỗ quý hiếm và 28,299m3 gỗ thông thường), 81,8kg phong lan các loại, 1.500kg củ cu ly, 1.002kg dây hy thiêm; 45 cá thể chim khướu bạc má (đã thả về môi trường tự nhiên), 31 xe máy, 1 chiếc rìu... Đã xử phạt, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 233 triệu đồng. Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo 19/19 xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa về công tác bảo vệ, chống chặt phá rừng và quản lý lâm sản. Đồng thời, cử cán bộ kiểm lâm bám cơ sở, thường xuyên tuần tra, kiểm soát; phối hợp với lực lượng công an, quân đội điều tra, xác minh làm rõ đối tượng vi phạm, xử lý nghiêm các vụ vi phạm, tạo tính răn đe… Tuy nhiên, do địa bàn nhiều dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều bất cập về ngôn ngữ, chữ viết khiến hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Nhận thức của một bộ phận người dân về tầm quan trọng của rừng còn hạn chế; dân số tăng nhanh, áp lực về lương thực cùng nhu cầu sử dụng gỗ để làm nhà ở theo phong tục tập quán của người dân dẫn đến tình trạng khai thác rừng trái pháp luật để lấy gỗ, lâm sản để sử dụng làm nhà, đồ gia dụng vẫn còn xảy ra.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top