Vụ đông xuân thắng lợi nhờ sự chủ động

08:59 - Thứ Sáu, 15/05/2020 Lượt xem: 7364 In bài viết

ĐBP - Vụ đông xuân 2019 - 2020, tỉnh ta gặp nhiều khó khăn do nắng nóng kéo dài gây hạn hán trên diện rộng, sâu bệnh gây hại lúa phát triển phức tạp đe dọa ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Song với sự nỗ lực của các cấp, ngành chuyên môn và người dân trên địa bàn, nông dân tỉnh ta đã vượt qua thử thách để có một vụ lúa thành công.

Nông dân đội 1, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) thu hoạch lúa đông xuân.

Như mọi năm, huyện Ðiện Biên bắt đầu vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhất tỉnh. Thời điểm này phần lớn các xã vùng ngoài như: Thanh Nưa, Hua Thanh, Mường Pồn và một số xã vùng lòng chảo đang thu hoạch lúa đông xuân. Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên cho biết: Năng suất lúa bình quân ở các xã vùng ngoài ước đạt 54 - 55 tạ/ha; các xã vùng lòng chảo vẫn duy trì năng suất bình quân 64 - 65tạ/ha, đạt kế hoạch đề ra từ đầu vụ. Kết quả này là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện trong bối cảnh vụ đông xuân năm nay gặp rất nhiều bất lợi về thời tiết và sâu bệnh hại lúa.

Vụ đông xuân năm nay huyện Ðiện Biên gieo cấy trên 4.120ha lúa, với cơ cấu giống chủ yếu là Bắc thơm số 7 và Séng cù, là những giống lúa cho năng suất, chất lượng cao nhưng rất dễ nhiễm bệnh đạo ôn. Từ giữa tháng 2, những dấu hiệu của bệnh đạo ôn lá bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng lây lan trên diện rộng. Trước tình hình đó, cơ quan chuyên môn của huyện liên tục thông tin cảnh báo, chỉ đạo phòng trừ từng đối tượng sâu bệnh đến các xã và nông dân.

Chị Nguyễn Thị Hồng, người dân xã Thanh Chăn cho biết: Nông dân vùng lòng chảo Ðiện Biên có trình độ canh tác cao. Do đó, việc lúa đông xuân nhiễm bệnh đạo ôn được bà con nắm rất rõ từ thời điểm nhiễm đến cách phòng trừ. Vụ đông xuân năm nay, từ giữa tháng 2, các cảnh báo, hướng dẫn phòng trừ bệnh đạo ôn được UBND xã liên tục phát trên loa truyền thanh. Các phòng chuyên môn của huyện, UBND xã còn cử cán bộ thường xuyên bám ruộng để hướng dẫn nông dân sử dụng loại thuốc gì, mua ở đâu, phun vào thời điểm nào. Vụ này, gia đình tôi gieo cấy trên 5.000m2, từ khi lúa bắt đầu đẻ nhánh rộ, tôi chủ động phun phòng trừ đạo ôn lá, đến giai đoạn đứng cái làm đòng tập trung phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Do đó, toàn bộ diện tích lúa năm nay cơ bản an toàn, dự ước năm nay lúa vẫn đạt năng suất trung bình 63 - 64 tạ/ha.

Vừa đối phó xong bệnh đạo ôn lá, cây lúa đang giai đoạn đứng cái làm đòng thì nhiều diện tích lúa đông xuân bị hạn hán do thời tiết nắng nóng kéo dài. Các cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý thủy lợi tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ để cứu hạn cho cây lúa. Từ giữa tháng 2, Công ty TNHH Quản lý thủy nông Ðiện Biên đã huy động toàn bộ lực lượng, máy móc tăng cường về vùng lòng chảo Ðiện Biên, lập các trạm bơm dã chiến để giải hạn cho lúa. Sau gần 2 tháng bám trụ ở đồng ruộng, các trạm bơm dã chiến đã giúp nhiều diện tích lúa khô hạn tiếp tục sinh trưởng phát triển, không để diện tích nào mất trắng vì hạn hán. Qua đợt khô hạn này đã cho thấy sự chủ động và phối hợp chặt chẽ của chính quyền các cấp với Công ty. Bên cạnh đó trong điều kiện nước khan hiếm nhưng người dân rất có ý thức, tuân thủ nghiêm lịch chia nước của Công ty. Sự chủ động trong công tác dự thính, dự báo; chủ động các phương án, nguồn lực để đối phó thiên tai, dịch bệnh; sự nhất quán trong chỉ đạo đến triển khai thực hiện từ cấp tỉnh đến cơ sở đã giúp các trà lúa đông xuân vượt qua đợt hạn hán năm nay.

Ðến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Cùng với các vùng lúa quen thuộc như: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng… thì sự bứt phá của các huyện vùng cao như Nậm Pồ với các giống lúa mới cho năng suất bình quân ước đạt 52 tạ/ha, góp phần đưa năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt kế hoạch đề ra.

Ông Trần Sỹ Quân, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Kết quả này chứng minh quá trình sản xuất chủ động ở các địa phương. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, sâu bệnh ngày càng phức tạp, các địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện khung thời vụ phù hợp với tình hình thời tiết và sinh trưởng của cây trồng. Thực hiện tốt việc kiểm soát đầu vào cho sản xuất từ giống, vật tư đến thuốc bảo vệ thực vật; làm tốt công tác dự thính, dự báo và xây dựng các phương án đối phó đã giúp sản xuất vụ đông xuân thắng lợi.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top