Vận tải hành khách nỗ lực vượt khó

08:57 - Thứ Hai, 25/05/2020 Lượt xem: 8031 In bài viết

ĐBP - Sau thời gian tạm dừng hoạt động để phòng dịch Covid-19, ngày 7/5 Sở Giao thông vận tải đã có thông báo về việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng trở lại trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thực hiện dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải hành khách (xe tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, xe taxi…). Tuy mọi hoạt động vận tải đã quay lại nhưng lượng hành khách vẫn chưa cao, khiến không ít doanh nghiệp vận tải đã gặp khó khăn nay lại càng khó khăn thêm.

Nhân viên phục vụ trên xe của HTX vận tải khách - hàng hóa và dịch vụ vệ sinh xe trước khi xuất bến, để phòng Covid-19.

Ông Lê Ðức Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Ðiện Biên cho biết: Hiệp hội có 13 đơn vị, doanh nghiệp, trong đó 9 doanh nghiệp hoạt động chủ yếu là chuyên ngành vận tải hành khách, bao gồm cả tuyến cố định, hợp đồng, taxi với trên 650 xe, chiếm trên 80% khối lượng vận tải khách đường bộ trên địa bàn tỉnh. Kể từ đầu năm 2020, do tác động ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động vận tải khách của các doanh nghiệp, hội viên đều gặp rất nhiều khó khăn, lưu lượng hành khách đi lại giảm bình quân từ 30 - 70%, doanh thu bình quân giảm trên 60%. Với tình hình hiện tại, các doanh nghiệp vận tải khách đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục những khó khăn trước mắt, như: Cắt giảm mọi chi phí không cần thiết, nâng cao chất lượng vận tải, điều chỉnh lại luồng tuyến… từ đó giúp các doanh nghiệp giữ chân người lao động, giảm bớt các chi phí phát sinh, sớm ổn định hoạt động kinh doanh.

Cũng là một trong những doanh nghiệp có nhiều phương tiện vận tải, Công ty TNHH Thông Lan hiện có 48 xe khách khai thác ở 14 tuyến cố định nội tỉnh và liên tỉnh, 35 xe taxi. Thời điểm này, mọi hoạt động vận tải khách của Công ty đã hoạt động trở lại bình thường, nhưng lượng khách đi lại chỉ còn khoảng 50% so với thời điểm trước đây, thậm chí có những chuyến không có khách; số lượt vận chuyển bằng xe taxi thấp khiến doanh nghiệp lỗ nặng vì thu không bù đắp được các khoản chi phí quản lý, điều hành, nhiên liệu, cầu đường... Ông Ðặng Văn Thông, Giám đốc Công ty TNHH Thông Lan cho biết: Như mọi năm, vào thời điểm sau tết, dịp 30/4, 1/5 lượng khách đến và đi đông, tần suất hoạt động các phương tiện của Công ty cao. Nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh mọi hoạt động đều bị ngưng trệ khiến nguồn thu của Công ty bị sụt giảm nghiêm trọng, doanh thu thời điểm này chủ yếu phụ thuộc vào hàng hóa chở bằng xe khách, khiến Công ty gặp không ít khó khăn. Ðể tiếp tục duy trì hoạt động trong thời điểm khó khăn này, ngoài việc cắt giảm mọi chi phí không cần thiết, đảm bảo thực hiện đủ số chuyến xe chạy tuyến cố định, giữ nguyên giá vé, điều chỉnh lại biểu đồ chạy xe thì Công ty còn giảm tần suất số chuyến chạy tuyến Ðiện Biên - Yên Bái từ 30 chuyến/tháng xuống còn 15 chuyến/tháng; tuyến Ðiện Biên - Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) giảm từ 30 chuyến/tháng xuống còn 7 chuyến/tháng để giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, để thu hút khách thuê xe du lịch, xe taxi, Công ty còn giảm giá 10 - 15% cước cho khách thuê xe hợp đồng, xe taxi tùy thời gian thuê xe dài hay ngắn, qua đó tạo niềm tin cho khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ của Công ty, góp phần cải thiện doanh thu.

Với những khó khăn mà các doanh nghiệp vận tải khách đang gặp phải, ngoài việc các doanh nghiệp tự tìm giải pháp vượt khó phù hợp với tình hình cụ thể của từng đơn vị thì để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hội viên, Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các cấp, các ngành xem xét sớm triển khai việc thực hiện các chính sách hỗ trợ khó khăn cho người lao động và doanh nghiệp theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Ðặc biệt, trước mắt, Hiệp hội đề nghị về việc giảm thu phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện, ít nhất trong kỳ 6 tháng đầu năm 2020 theo các mức: Tháng 1, 2, 3, 5, 6 giảm 50%; tháng 4 giảm 100% nhằm giúp các đơn vị vận tải yên tâm hoạt động kinh doanh.

Bài, ảnh: Hoàng Lâm
Bình luận
Back To Top