Thương mại điện tử “lên ngôi” mùa dịch Covid-19

08:44 - Thứ Tư, 27/05/2020 Lượt xem: 9951 In bài viết

ĐBP - Không cần đến cửa hàng, nhưng người tiêu dùng vẫn có thể chọn mua được những sản phẩm mình cần một cách dễ dàng bằng vài thao tác trên máy tính hoặc điện thoại thông minh qua các kênh mua hàng trực tuyến. Ðó là những ưu điểm vượt trội của thương mại điện tử. Trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19, khi mà việc mua sắm, ăn uống đều hạn chế tụ tập đông người, thì thương mại điện tử lại càng có “đất dụng võ”. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng phải cẩn thận khi giao dịch thương mại điện tử.

Ðể thích ứng với điều kiện hiện nay, hầu hết siêu thị, cửa hàng kinh doanh đồ ăn uống, cà phê, thiết bị máy tính… đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua các trang mạng xã hội facebook, zalo hoặc các website… với nhiều ưu đãi. Theo thống kê sơ bộ tại một số siêu thị, cửa hàng lớn trên địa bàn tỉnh, trong những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tỷ lệ giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử tăng từ 10% - 30%, đặc biệt trong tháng 4/2020 đã chiếm hơn 50% tổng lượng hàng hóa bán ra; tập trung ở một số nhóm hàng thiết yếu như: Thức ăn nhanh, mỳ ăn liền, sữa hay thực phẩm chế biến sẵn.

Siêu thị Hoa Ba những năm qua đã triển khai dịch vụ giới thiệu sản phẩm và bán hàng online trên website bán hàng của doanh nghiệp, song lượng tiêu thụ hàng hóa không nhiều. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người dân hạn chế đến siêu thị mua sắm trực tiếp mà chuyển sang mua online. Nhận thấy đây là cơ hội để đẩy mạnh tiêu dùng thương mại điện tử, nên siêu thị đã tăng cường triển khai việc bán hàng online. Theo đó, nhân viên sẽ tư vấn và giải đáp những câu hỏi của khách hàng, cũng như lên đơn theo đặt hàng của khách hàng qua kênh trực tuyến và thực hiện giao hàng tận nhà theo yêu cầu của khách hàng. Ðiều này đã giúp siêu thị đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, đồng thời góp phần phòng, chống dịch bệnh.

Một nhân viên bán hàng tại quán “Ốc xào quê choa”, có địa chỉ tại phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng khách ăn tại quán giảm đáng kể. Tuy nhiên, lượng khách hàng mua đặt “ship” tận nhà lại tăng 50% so với thời điểm thông thường. Ðể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trực tuyến của khách hàng; đồng thời, chung sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19, quán đẩy mạnh đăng tải bài viết và tương tác với khách hàng trên facebook, zalo để thúc đẩy tiêu thụ. Nhân viên phục vụ trong quán cũng chuyển đổi công việc từ phục vụ tại chỗ sang giao hàng tận nhà bảo đảm nhanh, thuận tiện cho khách đặt hàng. Nhờ vậy đã giúp quán vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch, nhân viên trong quán cũng duy trì được việc làm và thu nhập. Theo thống kê, trước khi diễn ra dịch Covid-19, tỷ lệ bán qua kênh online của cửa hàng chỉ đạt khoảng 5 - 10%, nhưng hiện tại, lượng khách hàng mua online tăng lên khoảng 30 - 50%.

Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh nhưng đây cũng là cơ hội ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh để vượt qua khó khăn. Xu hướng hiện nay và đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thì thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tham gia giao dịch thương mại điện tử gần như đã trở thành thói quen của nhiều người.

Chị Phạm Thị Tuyến, ở phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Mua sắm online không còn lạ, được nhiều người lựa chọn trong thời buổi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hơn 1 tháng qua, tôi hạn chế số lần trực tiếp đến chợ hay siêu thị để mua sắm, thay vào đó chọn mua sắm online, vừa tiết kiệm được thời gian đi lại để làm việc khác.

Bên cạnh những ưu điểm thì thương mại điện tử, đặc biệt mua sắm trực tuyến vẫn còn những rào cản và tiềm ẩn những rủi ro. Ðó là giá cả không rẻ hơn khi mua ngoài cửa hàng trong khi đã được khuyến mãi; thông tin cá nhân bị rò rỉ; mua hàng trực tiếp ở cửa hàng dễ và nhanh gọn hơn; nhiều người tiêu dùng chưa có thẻ ngân hàng để thanh toán; cách thức mua hàng qua mạng vẫn phức tạp với nhiều người. Cùng với đó tình trạng hàng hóa chưa đạt chuẩn, giữa hình ảnh sản phẩm quảng cáo và thực tế khi giao cho khách hàng không giống nhau. Theo thống kê, dù có đến 70% trở lên người mua hàng trực tuyến sử dụng hình thức thanh toán dịch vụ thu hộ người bán (COD) nhưng tỷ lệ người mua hoàn trả sản phẩm đã đặt hàng trực tuyến cũng rất cao. Thêm vào đó, lòng tin của người tiêu dùng vào giao dịch mua bán trực tuyến còn thấp, chưa thực sự tin tưởng, sợ bị lừa đảo, ăn cắp tài khoản, thông tin cá nhân. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 50% người được hỏi cho rằng mình hài lòng với phương thức mua hàng trực tuyến, tức là vẫn còn một tỷ lệ lớn đối tượng khách hàng tiềm năng mà các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải chinh phục.

Quốc Huy
Bình luận
Back To Top