Nông dân Nà Tấu nâng cao thu nhập từ trồng cây ăn quả

09:44 - Thứ Hai, 01/06/2020 Lượt xem: 8955 In bài viết

ĐBP - Tận dụng lợi thế về đất đai, những năm gần đây, ngoài tập trung phát triển cây lúa nước, người dân xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ) đã tích cực đưa nhiều giống cây ăn quả vào trồng, như: Mận, đào, cam, bưởi, nhãn... Chuyển đổi cây trồng không chỉ giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất mà còn nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống.

Chị Lò Thị Sương, bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ) thu hoạch mận.

Những ngày đầu tháng 5, dọc tuyến quốc lộ 279, đoạn qua địa phận bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu, hai bên đường người dân bày bán rất nhiều mận hậu. Những quả mận chín đỏ, trông thật đẹp mắt, khiến không ít người phải dừng chân mua về làm quà. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Phiêng Ban là bản có diện tích trồng mận tập trung nhiều nhất của xã Nà Tấu với 15/36,51ha, đồng thời là cây trồng truyền thống của người dân trong bản. Ban đầu các hộ chỉ trồng để phục vụ gia đình, chưa biết phát triển để trở thành cây có giá trị kinh tế. Sau khi thấy cây mận ở các địa phương khác, như: Mộc Châu, Lào Cai, Lạng Sơn… cho thu nhập cao cùng với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để phát triển nên những năm gần đây nhiều hộ dân trong bản đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây mận. Cả bản có 110 hộ thì có đến 70 - 80% số hộ trong bản trồng mận, hộ trồng ít thì 20 - 30 cây, hộ trồng nhiều thì 300 - 400 cây.

Trước đây, gia đình chị Lò Thị Sương, bản Phiêng Ban chỉ trồng ngô, sắn nhưng thu nhập thấp. Qua tìm hiểu tại các địa phương khác thấy hiệu quả kinh tế mà cây mận đem lại, từ giống mận của gia đình, chị chiết cành trồng thử nghiệm khoảng hơn chục cây. Sau khi thấy hiệu quả, từ diện tích đất trồng cây dong riềng bạc màu, chị cải tạo đất và nhân rộng diện tích trồng mận. Hiện, vườn mận của chị có hơn 400 cây đã cho thu hoạch ổn định. Chị Sương cho biết: “Tôi thấy trồng cây mận thu nhập cao hơn so với trồng ngô, sắn. Ngoài ra, công chăm sóc cũng như đầu tư phân bón ít hơn so với các loại cây trồng khác, một năm thu hoạch trong khoảng hơn 2 tháng. Vào vụ thu hoạch, ngoài bày bán ven quốc lộ, thương lái còn vào tận vườn thu mua. Năm nay, mận chín sớm hơn nên đầu vụ thương lái thu mua với giá cao hơn so với năm trước, dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Dự kiến vụ này gia đình tôi thu hơn 100 triệu đồng”.

Ngoài trồng mận, trong thời gian gần đây, tại những vùng đất đồi của xã Nà Tấu khi dong riềng không còn được xem là cây chủ lực thì có một loại cây trồng mới đó là chanh leo, đang được người dân nơi đây đưa vào trồng thử nghiệm, mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc. Theo lời giới thiệu của xã, chúng tôi đến tham quan mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Lò Văn Chính, bản Nà Tấu 3. Tận dụng diện tích đất đồi của gia đình, tháng 7/2019, anh Chính bỏ vốn trồng thử nghiệm 1.000 cây chanh leo Tai Shiang Ðài Loan. Sau gần 1 năm trồng và chăm sóc, vườn chanh leo của anh rất sai quả, quả chanh to, đều, bóng, đẹp và chỉ khoảng 1 tháng nữa sẽ được thu hoạch… Không chỉ trồng chanh leo, sau khi tham quan nhiều mô hình trồng bưởi cho thu nhập cao, anh Chính tiếp tục trồng thêm 1.200 cây bưởi Ruby của Thái Lan. Anh Chính cho biết: Ðược xã tuyên truyền về việc tận dụng lợi thế đất đai để đưa những giống cây trồng, cây ăn quả có hiệu quả cao vào trồng, tôi cải tạo đất để trồng chanh leo và bưởi. Do thời gian sinh trưởng của cây chanh leo ngắn, nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thì mỗi năm chanh leo sẽ cho thu hoạch 2 vụ chính vào tháng 6 và tháng 12. Ngoài ra, cây tiếp tục cho quả rải rác trong các tháng sau khi thu hoạch vụ chính nên vẫn mang lại thu nhập cho người trồng. Hiện thương lái đã đến tận vườn để thu mua chanh leo với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Dự tính vụ chanh leo này gia đình tôi thu được hàng trăm triệu đồng.

Ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: Hiện toàn xã có 54ha cây ăn quả các loại, như: Mận, đào, cam, bưởi, nhãn… Có thể nhận thấy việc phát triển cây ăn quả là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân so với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn xã còn mang tính tự phát, năng suất nhiều vườn chưa cao, hoạt động tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn. Do đó, để phát triển cây ăn quả một cách bền vững, tập trung và có hiệu quả, trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân về công tác chăm sóc, thu hoạch sản phẩm để nâng cao sản lượng. Ðồng thời giới thiệu các giống cây mới chất lượng, phù hợp với khí hậu của địa phương; tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm… Ðối với diện tích chanh leo của xã hiện nay một số hộ dân đang trồng thử nghiệm, nếu đem lại hiệu quả kinh tế cao và đầu ra ổn định thì xã sẽ vận động, tuyên truyền người dân tận dụng diện tích đất đồi để mở rộng diện tích.

Bài, ảnh: Hoàng Linh
Bình luận
Back To Top