Tủa Chùa đào tạo nghề gắn với xây dựng mô hình sản xuất

08:21 - Thứ Sáu, 26/06/2020 Lượt xem: 7285 In bài viết

ĐBP - Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LÐNT), UBND huyện Tủa Chùa phối hợp cùng các cơ quan chức năng xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm kế hoạch đào tạo nghề gắn với xây dựng mô hình sản xuất. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất trên địa bàn.

Sau khi học lớp đào tạo nghề về kỹ thuật trồng trọt, người dân bản Pê Dằng B, xã Xá Nhè áp dụng trồng cỏ voi để chủ động thức ăn cho trâu, bò.

Ông Nguyễn Duy Hiệu, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tủa Chùa cho biết: Toàn huyện hiện có 32.482 người trong độ tuổi lao động, chiếm tỷ lệ 60% dân số; trong đó có 30,28% lao động chưa qua đào tạo. Thời gian qua huyện chú trọng triển khai đào tạo nghề gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Các lớp học nghề được xác định theo nhu cầu của học viên, phương pháp đào tạo chú trọng thực hành nên học viên có thể áp dụng ngay vào thực tế. Các nghề được nhiều lao động đăng ký như: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; nuôi ong mật; trồng chè; trồng cây ăn quả... Qua đó góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho LÐNT.

Hiệu quả rõ nét của công tác đào tạo nghề thời gian qua là người dân biết áp dụng những kiến thức đã được học vào quá trình sản xuất và xây dựng thành công các mô hình kinh tế. Theo thống kê, trên 70% học viên sau các khóa đào tạo đã áp dụng hiệu quả kiến thức vào thực tế sản xuất, áp dụng thành công khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Anh Vừ A Trầu, thôn Trung Vàng Khổ, xã Trung Thu sau khi tham gia lớp học nghề trồng cây ăn quả năm 2019 đã mạnh dạn chuyển đổi 2.000m2 nương ngô kém hiệu quả sang trồng chanh leo. Áp dụng kiến thức đã học, vườn chanh leo của anh Trầu phát triển tốt và đã cho thu hoạch vụ đầu tiên. Cùng diện tích, nếu như trồng ngô chỉ đủ phục vụ chăn nuôi thì nay với cây chanh leo, gia đình anh Trầu thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/vụ. Anh Trầu cho biết: “Từ hiệu quả của cây chanh leo, thời gian tới tôi sẽ mở rộng diện tích trồng chanh leo và một số cây trồng khác phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn như: Cam, xoài…”

Trước đây, ông Sùng A Khày, thôn Páo Tỉnh Làng 1, xã Tả Sìn Thàng chăn nuôi theo kinh nghiệm nên dù số lượng đàn vật nuôi nhiều nhưng thu nhập của gia đình không cao. Sau khi tham gia lớp đào tạo về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, kiến thức từ lớp dạy nghề đã giúp ông Khày nâng cao giá trị sản phẩm. Ông Sùng A Khày chia sẻ: “Tham gia lớp học đã giúp tôi biết chăm sóc đàn vật nuôi đúng kỹ thuật. Với kiến thức được học tôi tự tin phát triển mô hình trang trại chăn nuôi đa dạng gồm: Trâu, gia cầm và nhím. Ðể chủ động thức ăn cho đàn vật nuôi, tôi trồng 1.500m2 cỏ voi, 2ha ngô lấy lá; mở rộng diện tích ao thả cá lên 1.500m2 để tận dụng phụ phẩm, chất thải chăn nuôi…” Ðến nay, trừ chi phí, gia đình ông Khày có thu nhập ổn định từ 70 - 80 triệu đồng/năm, đời sống của gia đình được nâng lên, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt giá trị.

Thực tế nhu cầu chuyển đổi ngành nghề mới của LÐNT không lớn. Nông dân chủ yếu vẫn gắn với các nghề sản xuất nông nghiệp như: Chăn nuôi, trồng trọt… nên số lớp đào tạo nghề nông nghiệp chiếm chủ yếu. Do đó công tác đào tạo nghề gắn với xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp là phù hợp, mang lại hiệu quả, giúp người lao động sau đào tạo tự tạo việc làm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu năm đến nay huyện Tủa Chùa chưa mở được lớp đào tạo nghề nào. Thời điểm này, các đơn vị chuyên môn đang tuyển sinh, rà soát đề xuất của các xã, nhu cầu của người dân để mở các lớp đào tạo nghề trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện cho LÐNT được học nghề để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top