Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

08:42 - Thứ Hai, 29/06/2020 Lượt xem: 5685 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, Ðiện Biên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ứng dụng công nghệ sinh học vào quá trình sản xuất nông nghiệp. Việc triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất đã tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đem lại một số kết quả quan trọng.

Xuất phát điểm là tỉnh nghèo, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, tập quán sản xuất của người dân còn manh mún, chăn nuôi không tập trung, vì vậy việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn đầu gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên để thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là những cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở có liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học như nông nghiệp, khoa học và công nghệ, tài nguyên - môi trường. Ðồng thời, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp tập huấn liên quan đến việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất như: Tập huấn về ứng dụng men vi sinh EMIC và ủ phân hữu cơ vi sinh; việc sử dụng chế phẩm Metarhizium, Nolpor vào phòng trừ châu chấu tre lưng vàng...

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành lồng ghép vào các hoạt động sử dụng nguồn kinh phí của tổ chức Oxfam Quebec, Danida đẩy mạnh ứng dụng men vi sinh để ủ phân hữu cơ sử dụng trong trồng trọt. Phối họp với tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) triển khai dự án hỗ trợ khẩn cấp nhằm tăng cường năng lực kiểm soát châu chấu tre lưng vàng tại Lào và Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp khảo nghiệm, sản xuất thử nghiệm 104 giống cây trồng mới các loại. Hàng năm bổ sung giống mới có tính ưu việt vào cơ cấu sản xuất, trong đó bổ sung vào Danh mục giống cây trồng của tỉnh 61 giống mới các loại (34 giống lúa, 27 giống ngô lai các loại)... đã góp phần khai thác hiệu quả, tiềm năng, lợi thế thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập trên địa bàn tỉnh và xóa đói giảm nghèo.

Song song với việc khảo nghiệm giống cây trồng mới, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã triển khai khảo nghiệm 24 giống lúa thuần, 5 giống lúa lai; sản xuất thử 25 giống lúa thuần, trong đó trồng thử nghiệm 12 giống lúa thuần để lựa chọn ra những giống lúa phù hợp với điều kiện sản xuất, mùa vụ của địa phương, những giống thuần nhanh chóng được người dân đón nhận, mở rộng diện tích sản xuất như giống lúa lai Nhị ưu 838, Nghi hương 2308, các giống lúa thuần: IR 64, Hương thơm số 1, Bắc thơm số 7, Séng cù... Các giống đưa vào sản xuất là giống xác nhận, giống tiến bộ kỹ thuật, nhờ đó năng suất lúa bình quân tăng, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh.

Từ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua, Ðiện Biên cũng đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư... tham gia phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch theo chuỗi. Như Siêu thị Hoa Ba chuyên sản xuất rau thủy canh hồi lưu trong nhà lưới công nghệ; Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới; Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, Công ty TNHH Thực phẩm nông sản sinh thái Ðiện Biên, Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green liên kết thực hiện dự án cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ lúa IR64, Bắc thơm số 7.

Hiện nay, Ðiện Biên có 19 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các chuỗi cung ứng nông sản an toàn trong tỉnh được cấp giấy chứng nhận, góp phần thúc đẩy hình thành các thương hiệu nông sản, đảm bảo chất lượng được thị trường đón nhận, giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng, người sản xuất cải thiện thu nhập; một số chuỗi liên kết đã hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, những năm qua, chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế được nhiều hộ gia đình lựa chọn và thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi theo mô hình trang trại quy mô lớn theo hướng hiện đại. Ðiển hình như mô hình chăn nuôi lợn của Doanh nghiệp Tư nhân thương mại Huy Toan, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Việt Trung và Doanh nghiệp Quang Lành, Doanh nghiệp Tuấn Doanh, huyện Tuần Giáo ứng dụng trong chăn nuôi lợn và trồng cây dược liệu. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển theo hình thức chăn nuôi gia trại, trang trại quy mô vừa, kiểm soát tốt dịch bệnh góp phần thúc đẩy ngành Chăn nuôi phát triển bền vững và hiệu quả....

Tuyết Anh
Bình luận
Back To Top