Phát triển cây công nghiệp ở Tuần Giáo

09:43 - Thứ Hai, 03/08/2020 Lượt xem: 7624 In bài viết

ĐBP - Huyện Tuần Giáo có lợi thế diện tích, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển các loại cây công nghiệp. Do vậy, cây công nghiệp được huyện phát triển theo hướng mở rộng quy mô diện tích hợp lý ở những vùng có điều kiện, nhằm phát triển các vùng nguyên liệu có giá trị kinh tế cao. Ðồng thời, có chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phù hợp, thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn. Huyện đã vận động người dân góp quyền sử dụng đất đối với diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, đã bạc màu để hợp tác với nhà đầu tư trồng cây công nghiệp và được hưởng lợi theo sản phẩm.

Công nhân Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên kiểm tra diện tích mắc ca mới cho quả. Ảnh: Diệp Chi

Ðến thời điểm này, tổng diện tích trồng cây mắc ca theo dự án trên địa bàn huyện Tuần Giáo đạt gần 1.400ha, tập trung ở 2 xã Quài Cang và Quài Nưa. Bà Lò Thị Thủy, Trưởng phòng Hành chính, Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên cho biết: Những năm qua, dự án đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Ngoài số tiền hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/năm trong 5 năm đầu tiên thì theo hợp đồng đến năm thứ 6 cây mắc ca chưa cho đủ sản phẩm thu hoạch Công ty sẽ hỗ trợ người dân tối thiểu gần 5,9 triệu đồng/ha. Hàng năm, Công ty tuyển và sử dụng thường xuyên từ 150 - 200 lao động trên địa bàn huyện với mức lương 3 - 4 triệu đồng/tháng, ưu tiên cho các hộ góp đất cùng Công ty và người dân địa phương. Hiện nay, 40ha mắc ca trồng thí điểm từ năm 2015 tại xã Quài Nưa đã bắt đầu có quả với tỷ lệ đạt gần 100%, sản lượng dự kiến từ 10 - 15kg/cây.  Với cam kết sau khi thu hoạch người dân được hưởng 15%/giá trị 1kg quả tươi, hiện nay khi cây mắc ca sinh trưởng và có sản lượng quả năm đầu tốt, đã tạo niềm tin cho người dân góp đất trên địa bàn về nguồn thu nhập từ cây mắc ca.

Cùng với mắc ca, cây cao su cũng là cây công nghiệp lâu năm hứa hẹn mang về no ấm cho người dân khi “vàng trắng” được khơi dòng. Ðến nay, toàn huyện có gần 1.320ha cây cao su, gần 560ha đã cho khai thác, sản lượng mủ tăng dần qua các năm. Năm 2019 mỗi héc-ta cao su cho thu hoạch gần 1,1 tấn mủ quy khô, bình quân lợi nhuận mà người dân góp đất thu được khoảng 2 triệu đồng/ha. Mặc dù giá mủ cao su xuống thấp nhưng gần 230 công nhân, chủ yếu là người dân góp đất trồng cao su trên địa bàn tham gia trồng, chăm sóc, khai thác mủ vẫn có mức lương ổn định từ 5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Huyện chủ trương phát triển cây công nghiệp lâu năm, cây dài ngày. Cụ thể như cây mắc ca và cao su cũng theo chủ trương đầu tư và quy hoạch phát triển cây công nghiệp dài ngày của tỉnh. Hiện nay trên địa bàn huyện đang có một số diện tích cây công nghiệp tương đối lớn, như: Cây cao su với 1.320ha; cây mắc ca, huyện và doanh nghiệp đã trồng được hơn 1.400ha, đã có 40ha bắt đầu bói quả. Ngoài ra còn có cây cà phê với 400ha đang tiếp tục cho thu hoạch. Vấn đề phát triển cây công nghiệp đang được huyện Tuần Giáo tiếp tục quan tâm, sẽ có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư tham gia các dự án phát triển cây công nghiệp. Ðồng thời, khuyến khích người dân liên kết với doanh nghiệp để trồng cây công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Hiện nay, huyện Tuần Giáo đang triển khai rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết các loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày. Dự kiến trong năm nay, sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Macadamia Ðiện Biên trồng thêm 600ha cây mắc ca tại xã Quài Tở.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top