Sản xuất công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

08:50 - Thứ Tư, 05/08/2020 Lượt xem: 6713 In bài viết

ĐBP - Toàn tỉnh hiện có 25 doanh nghiệp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác với 32 điểm mỏ khoáng sản. Trong đó, 20 điểm mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 7 điểm mỏ khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường,còn lại là điểm mỏ khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng, chì kẽm, than.

Sản xuất vật liệu xây dựng gắn với đảm bảo môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng Công ty Cổ phần Xi măng Ðiện Biên phải thực hiện. Trong ảnh: Công nhân Công ty Cổ phần Xi măng Ðiện Biên xuất xưởng sản phẩm. Ảnh: Đức Kiên

Hiện nay, nguồn ô nhiễm môi trường không khí gồm hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất nông nghiệp, chôn lấp và xử lí chất thải. Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm chủ yếu là ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản, luyện than cốc, sản xuất xi măng. Nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động này thường có nồng độ chất độc hại cao.Trong khi đó, phần lớn các cơ sở khai thác, chế biến công nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ; khai thác bằng phương pháp thủ công, bán cơ giới, công nghệ lạc hậu nên trong quá trình khai thác thường sản sinh lượng chất thải lớn gây ô nhiễm môi trường. Lượng bụi, tiếng ồn tại các điểm khai thác chế biến khoáng sản cũng thường vượt quy định cho phép. Một số đơn vị, doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản thiếu ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; chưa có các biện pháp hạn chế khói, bụi thải ra môi trường. Nhiều mỏ khai thác làm tràn đất, đá, bùn thải xuống diện tích đất sản xuất, ảnh hưởng đến canh tác của người dân.

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, những năm gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Tỉnh đã triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình và được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo hiện trạng môi trường không khí; xác định các nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu. Ðây là những cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp chính quyền, doanh nghiệp địa phương thực hiện hiệu quả công tác khai thác, chế biến khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường xác nhận hoàn thành các công trình xử lý môi trường đối với các dự án ngay từ giai đoạn thi công xây dựng cũng như xây dựng kế hoạch thanh tra môi trường, đảm bảo không chồng chéo, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Từ năm 2019 đến nay, Thanh tra Sở đã xử lý vi phạm hành chính đối với 25 cá nhân khai thác cát, sỏi trái phép tại các huyện: Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé với số tiền xử phạt hơn 100 triệu đồng.

Thời gian tới, tỉnh ta sẽ xây dựng và ban hành các chính sách xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia giải quyết các vấn đề môi trường, đặc biệt là tại các cơ sở sản xuất công nghiệp. Hoàn thiện và thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo hướng quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và có chế tài cụ thể đối với các trường hợp vi phạm. Ðồng thời, tăng cường kiểm soát, đẩy mạnh hoạt động quan trắc môi trường không khí; sớm hình thành hệ thống công cụ kinh tế để quản lý chất lượng không khí theo cơ chế “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” áp dụng triệt để đối với thành phần kinh tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí cao.

Ðức Kiên
Bình luận
Back To Top