Mường Nhé nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả

09:04 - Thứ Sáu, 07/08/2020 Lượt xem: 6889 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, huyện Mường Nhé đã vận động, khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, không ngừng đổi mới tư duy canh tác, liên kết, hợp tác trong sản xuất - kinh doanh... Từ nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại nguồn lợi kinh tế cao, huyện Mường Nhé đã và đang mở rộng quy mô sản xuất; góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Người dân bản Mường Toong 1, xã Mường Toong sơ chế ngô sau thu hoạch. Ảnh: Phương Linh

Từ năm 2015, thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND huyện Mường Nhé đã chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền, phân bổ nguồn vốn, hỗ trợ người dân trồng thí điểm mô hình “Cây sa nhân tím dưới tán rừng” với diện tích 107,4ha. Đến nay, gần 20% diện tích sa nhân tím đã cho thu hoạch, giá thành khoảng 400 - 500 nghìn đồng/kg quả khô. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, sa nhân tím dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch và rễ cây lan tới đâu thì diện tích trồng sa nhân được mở rộng tới đó. Ngoài hiệu quả kinh tế, việc tận dụng trồng sa nhân xen giữa các loại cây hoặc trồng dưới tán rừng còn giải quyết được tình trạng rửa trôi và xói mòn đất, tạo thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. Đến nay mô hình “Trồng sa nhân tím dưới tán rừng” đã nhân rộng và phát triển ở một số xã như: Sín Thầu (49ha), Chung Chải (8,4ha), Nậm Kè (26,18ha), Pá Mỳ (12,15ha)...

Là một trong những hộ tiên phong trồng thử nghiệm cây sa nhân tím tại bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, ông Sừng Váng Sinh chia sẻ: Năm 2016, gia đình tôi đã trồng thử nghiệm hơn 2ha sa nhân tím dưới tán rừng. Nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đặc biệt cây sa nhân tím phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng nên sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, trên 1ha sa nhân đã cho thu hoạch, xuất bán với giá thành cao góp phần giúp gia đình tôi tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Để tạo thêm sinh kế, mở rộng các mô hình sản xuất, nhất là tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, từ nguồn vốn các chương trình, dự án: 135/CP; 30a; chương trình giảm nghèo bền vững... huyện Mường Nhé đã tổ chức sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, triển khai thí điểm các mô hình sản xuất, thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để khai thác thế mạnh về đất đai: Trồng cây cao su (diện tích 1.177,88ha); dự án trồng cây mắc ca công nghệ cao (tổng nguồn vốn 2.242 tỷ đồng); đặc biệt huyện đã hình thành các hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu (sa nhân, sả...).

Là địa bàn có tiềm năng, thế mạnh về đất đai rộng lớn, nhiều đồng cỏ, huyện Mường Nhé đã và đang tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; khuyến khích, tạo điều kiện để nông dân hình thành các mô hình chăn nuôi tập trung, phát triển theo hướng hàng hóa, kết hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt... Tới nay, tốc độ phát triển đàn gia súc (trâu, bò, lợn...) đạt 3,96%; nâng tổng số đàn gia súc, gia cầm toàn huyện lên hơn 160.000 con.

Ngoài ra, để người dân yên tâm gắn bó với rừng, huyện Mường Nhé đã tổ chức giao đất, giao rừng, hình thành các mô hình trồng và phát triển rừng do cộng đồng thôn, bản và các hộ gia đình quản lý, khai thác hiệu quả. Huyện đã tiến hành chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch giúp người dân tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Đến nay tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 52,82%, vượt 1,33% so mới mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Phát huy những kết quả đạt được, để phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả, huyện Mường Nhé tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn... Trong đó, huyện tập trung nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát triển và nhân rộng các mô hình cây trồng, vật nuôi có lợi thế và khả năng tiêu thụ sản phẩm gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Từ đó, góp phần ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phương Linh
Bình luận
Back To Top