Gỡ khó cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

09:33 - Thứ Bảy, 15/08/2020 Lượt xem: 6162 In bài viết

ĐBP - Thu hút doanh nghiệp đầu tư có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, song kết quả vẫn còn khiêm tốn.

Công nhân Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Điện Biên trồng rau theo hướng an toàn trong nhà kính.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã thu hút được 21 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp, trong đó: 6 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động; 4 dự án đang triển khai theo đúng tiến độ; 9 dự án chậm tiến độ so với quyết định đầu tư của UBND tỉnh và 2 dự án bị thu hồi do không đảm bảo tiến độ cam kết.

Theo kết quả khảo sát một số doanh nghiệp đã có dự án đầu tư vào nông nghiệp, hiện nay quỹ đất, nguồn vốn, cơ chế chính sách, sự đồng hành của chính quyền địa phương… đang là những rào cản khiến doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, quy mô còn nhỏ. Để triển khai các dự án nông nghiệp, doanh nghiệp có nhu cầu quỹ đất từ hàng trăm đến hàng nghìn héc ta. Tuy nhiên, tích tụ đất đai đang là vấn đề khó khăn đối với các địa phương. Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư các dự án lớn trong khi nguồn vốn doanh nghiệp hạn hẹp, phải vay vốn tín dụng song thủ tục xác nhận, chứng minh tài sản… tiếp tục cản trở việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư vào nông nghiệp chưa được triển khai thực hiện. Điển hình như theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, mặc dù UBND tỉnh đã có Quyết định số 42/2019/QĐ-UBND ngày 9/12/2019 về Ban hành định mức hỗ trợ từng loại dự án, hạng mục, công trình đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên nhưng đến nay chưa có dự án nào được tiếp cận, thụ hưởng chính sách này.

Dự án Trang trại nuôi cá nước lạnh thương phẩm và trồng cây dược liệu, rau sạch xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) của Công ty TNHH Sơn Hạnh Tuần Giáo là 1 trong 6 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã đi vào hoạt động và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho người dân địa phương. Dự án sử dụng khoảng 7.000m2 đất; trong đó diện tích mặt nước để nuôi cá nước lạnh khoảng 2.000m2, thả nuôi 6.500 con cá hồi và 5.000 con cá tầm giống, sản lượng 20 tấn/năm. Dự án có tổng mức đầu tư 10,6 tỷ đồng.

Ông Tô Quốc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hạnh Tuần Giáo cho biết: Khó khăn nhất của các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nông nghiệp là nguồn vốn. Bởi vì nguồn vốn doanh nghiệp hạn hẹp trong khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại rất khó. Đầu tư dự án nông nghiệp cần 3 - 5 năm mới có thể thu hồi vốn. Nguồn vốn đầu tư đã khó, nguồn vốn để duy trì hoạt động trong giai đoạn kiến thiết còn khó khăn hơn. Chính vì vậy, có nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng không thực hiện được do thiếu vốn. Gần 4 năm dự án đi vào hoạt động, doanh nghiệp chưa tiếp cận được một nguồn vốn ưu đãi nào mặc dù Nhà nước có chính sách. Vừa qua, doanh nghiệp đang triển khai đầu tư thêm 1 dự án nuôi cá tầm, cá hồi kết hợp với trồng cây dược liệu và du lịch sinh thái. Đến nay đã trồng được 4ha cây sa nhân, đầu tư xong các bể nuôi cá và đang trong quá trình đầu tư đường giao thông và khu nghỉ dưỡng theo hướng homestay. Doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng có liên quan tạo điều kiện và có giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để triển khai dự án đảm bảo tiến độ đề ra.

Nhằm từng bước tháo gỡ những nút thắt, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, UBND tỉnh đã tổ chức các cuộc gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư các dự án nói chung, nông nghiệp nói riêng. Từ đó chỉ đạo các sở, ngành tích cực phối hợp chính quyền các địa phương, doanh nghiệp sớm gỡ khó, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động, đầu tư.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định, cơ chế chính sách hỗ trợ các dự án đầu tư vào nông nghiệp. Sở cũng trực tiếp chủ trì các hội nghị, hội thảo về phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: Lúa gạo, cây căn quả, cà phê, chè… trên địa bàn tỉnh. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, thu hút đầu tư để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hiện có của Trung ương và của tỉnh. Điển hình như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 14/2018/QĐ-UBND về chính sách liên kết trong chương trình nông thôn mới; Quyết định số 42/2019/QĐ-UBND về Ban hành định mức hỗ trợ từng loại dự án, hạng mục, công trình đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chính quyền địa phương và người dân có đất tiến hành triển khai dự án theo hướng liên kết sản xuất; tổ chức rà soát, phát triển các Hợp tác xã, tổ hợp tác để thực sự trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và người dân.

Về nguồn vốn tín dụng, ưu tiên nguồn vốn từ các chính sách, chương trình, dự án liên quan của Nhà nước để hỗ trợ thực hiện dự án nông nghiệp. Về vấn đề tích tụ đất đai, chính quyền các địa phương cần phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường rà soát, tham mưu cho tỉnh các giải pháp, cơ chế thuận lợi để hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp tiếp cận đất đai, hình thành các vùng sản xuất, chế biến tập trung.

Một trong những yếu tố quan trọng là có chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trên cơ sở lợi thế tự nhiên để đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư. Được biết Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời đang tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy xây dựng, ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề (kèm Đề án thực hiện) và 1 Chương trình gồm: Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) gắn với thị trường tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản trên đất dốc theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Chương trình nước sạch vệ sinh nông thôn quy mô hộ gia đình tại các địa bàn khó khăn về nguồn nước và Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 gắn với cơ chế, chính sách, nguồn vốn.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top