Ðổi thay trên căn cứ Pú Nhung

08:51 - Thứ Hai, 28/09/2020 Lượt xem: 6509 In bài viết

ĐBP - Xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo hiện có 8 bản, 797 hộ với hơn 3.700 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông sinh sống. Những năm gần đây, trên căn cứ cách mạng Pú Nhung xưa, kinh tế - xã hội đã có bước tăng trưởng và phát triển khá, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với thực tế địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu, năng suất và sản lượng cây trồng ở Pú Nhung tăng rõ rệt. Trong ảnh: Người dân xã Pú Nhung thu hoạch ngô.

Ông Vừ A Kỷ, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhung cho biết: Là địa bàn tương đối rộng, dân cư phân tán, kết cấu hạ tầng kinh tế ở Pú Nhung tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng với yêu cầu xây dựng nông thôn mới, giao thông đi lại giữa các bản còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều, một bộ phận nhân dân còn trông chờ vào Nhà nước, chưa có ý thức tự vươn lên. Ngoài ra, thời tiết khí hậu diễn biến thất thường, thiên tai, mưa lũ, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến sản xuất, đặc biệt là tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất kéo dài nhiều năm… Trước thực trạng đó, Pú Nhung đã huy động cả hệ thống chính trị cùng sự đoàn kết của người dân chung tay phát triển kinh tế - xã hội. Ðặc biệt thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách và các dự án đầu tư của Ðảng, Nhà nước, hạ tầng giao thông của Pú Nhung được chú trọng đầu tư; y tế, giáo dục được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Tổng sản lượng lương thực được duy trì và tăng dần, có năm vượt kế hoạch đề ra. Từ năm 2016, nhân dân chuyển đổi cơ cấu sang một số cây trồng mới không chỉ tăng năng suất mà còn tạo thu nhập ổn định cho người dân như: Cây dứa, cây mía và sa nhân. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng đã thay đổi diện mạo vùng quê cách mạng, cải thiện đời sống người dân.

Xác định xây dựng nông thôn mới là đòn bẩy giúp kinh tế - xã hội phát triển, xã Pú Nhung tích cực tuyên truyền, vận động, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình sản xuất mới trong nông thôn hình thành; đời sống của người dân từng bước nâng lên. Ðến nay, xã đạt 11/19 tiêu chí (tăng 7 tiêu chí so với năm 2015). Rõ nhất là tại ngã tư trung tâm xã, hoạt động mua, bán trao đổi hàng hóa diễn ra sôi nổi với 23 hộ bán hàng, góp phần cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Cấp uỷ đảng, chính quyền Pú Nhung tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai các chương trình, kế hoạch về công tác xoá đói, giảm nghèo, hướng dẫn nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Qua 2 lớp dạy nghề hỗ trợ giảm nghèo mở tại xã (sửa chữa xe máy, máy công trình và điện dân dụng) đã có 43 học viên được bồi dưỡng, nâng cao tay nghề rồi tự mở hiệu sửa chữa và 131 người đi làm tại các khu công nghiệp, nâng cao thu nhập. Từ xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đến nay tỷ lệ hộ nghèo ở Pú Nhung giảm còn 41%.

Thực hiện bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, Pú Nhung chú trọng xây dựng quy ước, hương ước bản, thực hiện tốt việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hoá với 672 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Ông Sùng Dũng Chía, bản Phiêng Pi cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng, người dân ở Pú Nhung luôn quan tâm và phát triển sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao mang đậm bản sắc dân tộc. Hàng năm, các hộ gia đình thường xuyên duy trì hoạt động văn nghệ, thể thao dân tộc. Ðồng thời, duy trì dòng họ Sùng hiếu học, giáo dục con cháu không được bỏ học giữa chừng mà siêng năng, chăm học đạt thành tích cao... Nhờ đó, qua mỗi năm học tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường luôn đạt cao; nhiều con em trong bản, xã đỗ vào các trường cao đẳng, đại học; 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, duy trì 3/3 trường chuẩn quốc gia, trong đó Trường Mầm non đạt chuẩn mức độ II, Trường Tiểu học và Trường THCS Vừ A Dính đạt chuẩn quốc gia mức độ I…

Bài, ảnh: Ðức Kiên
Bình luận
Back To Top