Tiềm năng phát triển điện mặt trời ở Ðiện Biên

08:56 - Thứ Sáu, 09/10/2020 Lượt xem: 4244 In bài viết

ĐBP - Ðiện mặt trời là dạng năng lượng tái tạo có hiệu quả cao, đang là xu thế phát triển chung hiện nay. Nắm bắt được tiềm năng và lợi ích của việc sử dụng điện mặt trời, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, phát triển nguồn năng lượng này.

Mô hình điện mặt trời của một hộ dân trên địa bàn huyện Điện Biên.

Theo Bản đồ bức xạ mặt trời Việt Nam, Ðiện Biên thuộc nhóm tỉnh có thời gian bức xạ nhiệt trong ngày lớn thứ tư trên cả nước với 4,5 - 4,7 kwh/m2/ngày và là một trong hai tỉnh (cùng với Sơn La) có bức xạ nhiệt trong ngày lớn nhất miền Bắc. Ðây là lợi thế để phát triển năng lượng mặt trời, góp phần tiết kiệm điện năng, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời, ngày 6/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 13/2020/QÐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam có trách nhiệm mua toàn bộ điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới phát lên hệ thống lưới điện quốc gia phù hợp với quy định về vận hành hệ thống điện và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành điện. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam ưu tiên khai thác toàn bộ công suất, điện năng phát của các dự án điện mặt trời để đảm bảo năng lượng tiêu thụ điện và tiết kiệm các loại điện năng truyền thống như: Nhiệt điện, thủy điện... nhằm bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Hiện nay, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đang mua điện mặt trời từ các tổ chức, cá nhân với giá 1.943 đồng/1kwh với điện mặt trời áp mái (ÐMTAM); 1.644 đồng/1kwh đối với điện mặt trời mặt đất và 1.783 đồng/1kwh đối với điện mặt trời nổi. Như vậy, đối với những dự án điện mặt trời mà các tổ chức, cá nhân lắp đặt trên các mái nhà, nhà xưởng, sân thượng... sẽ được ưu tiên và mua với giá cao hơn so với dự án điện lắp trên mặt đất và mặt nước. Ðây cũng là cơ chế để khuyến khích người dân tận dụng các công trình để lắp đặt và tiết kiệm tối đa diện tích mặt đất, mặt nước.

Nắm bắt chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ, từ năm 2019 đến nay nhiều tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đầu tư dự án điện mặt trời để tăng nguồn thu, giảm chi phí mua điện hàng tháng. Trong đó chủ yếu lắp ÐMTAM có công suất nhỏ hơn 1MW. Ðây là loại hình đầu tư được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, nên các tổ chức, cá nhân tận dụng mái nhà của gia đình, trụ sở làm việc, nhà điều hành, nhà nghỉ, khách sạn... để lắp ÐMTAM.

Nói về lợi ích khi đầu tư ÐMTAM, ông Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương, đội 8, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) cho biết: Công ty có Nhà máy chế biến gạo sạch, gạo hữu cơ công nghệ cao với năng suất trên 1.000 tấn/năm, cùng với các hệ thống máy sấy thóc khép kín có công suất trên 100 tấn/ngày, kho lạnh dự trữ thóc... Trung bình mỗi tháng Công ty phải chi trả 10 triệu đồng tiền điện. Song từ khi Công ty đầu tư điện mặt trời với công suất 600kw, ngoài phục vụ nhà máy hoạt động, Công ty còn thu về gần 100 triệu đồng/tháng từ tiền bán điện cho Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam”.

Cũng là một trong những đơn vị mạnh dạn đầu tư ÐMTAM, anh Bùi Chí Dũng, chủ khách sạn A1, tổ dân phố 9, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: Với hệ thống khách sạn, nhà hàng của gia đình, mỗi tháng phải trả tiền điện khá cao. Từ khi lắp ÐMTAM, trừ lượng điện sử dụng, mỗi tháng còn bán được trên 5 triệu đồng tiền điện.

Gia đình chị Phan Thị Yến, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) cũng đầu tư ÐMTAM với công suất 22kwp. Ðưa vào sử dụng đã giúp gia đình chị tiết kiệm khoảng 400.000 đồng/tháng tiền điện.

Theo số liệu Công ty Ðiện lực Ðiện Biên, đến nay Công ty đã ký 160 hợp đồng mua ÐMTAM của các tổ chức, cá nhân trên toàn tỉnh với tổng công suất 4,5MW, sản lượng đạt 302.831kwh/tháng. Tính đến hết tháng 9/2020, Công ty đã có 107 khách hàng lắp đặt ÐMTAM, công suất 3.469,13kwp (đạt 125,24% kế hoạch giao năm 2020 là 2.770kwp); dự kiến thời gian tới sẽ còn tăng mạnh. Trước những tiện ích từ hệ thống điện mặt trời, đặc biệt là ÐMTAM, ngành điện đang khuyến khích các hộ gia đình và tổ chức, doanh nghiệp tích cực phát triển điện mặt trời, thay thế dần các dạng năng lượng truyền thống, góp phần bảo vệ môi trường.

Tú Trinh
Bình luận
Back To Top